MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các đối tác Apple cần tuyển đến 100.000 người phục vụ sản xuất: Một tỉnh miền Bắc gấp rút lên kế hoạch thu hút thêm lao động ngoại tỉnh

Các đối tác Apple cần tuyển đến 100.000 người phục vụ sản xuất: Một tỉnh miền Bắc gấp rút lên kế hoạch thu hút thêm lao động ngoại tỉnh

Dù các doanh nghiệp đều đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tiến độ tuyển dụng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Các đối tác Apple cần tuyển đến 100.000 người phục vụ sản xuất: Một tỉnh miền Bắc gấp rút lên kế hoạch thu hút thêm lao động ngoại tỉnh- Ảnh 1.

KCN Quang Châu - Bắc Giang

Theo Cổng thông tin điện tử Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đã chủ trì buổi làm việc về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trong quý I/2024.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh cho biết, hiện tỉnh Bắc Giang có 7.636 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 306.200 lao động; lao động làm việc trong các KCN khoảng 190.360 lao động. 

Thống kê cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 là rất lớn. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong năm 2024 như: 

Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (KCN Đình Trám, KCN Quang Châu) cần tuyển khoảng 27.000 lao động; Công ty Luxshare - ICT (KCN Vân Trung, KCN Quang Châu) cần tuyển gần 47.000 lao động; Công ty TNHH New wing Interconnect Technology (Bắc Giang) (KCN Vân Trung) cần tuyển khoảng 27.000 lao động; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam (KCN Quang Châu) cần tuyển 12.000 lao động; Công ty TNHH Seojin Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng) cần tuyển 1.200 lao động; Công ty TNHH Ce Link Việt Nam (KCN Vân Trung) cần tuyển 900 lao động…

Như vậy, riêng các doanh nghiệp là nhà cung cấp cho các thương hiệu điện tử hàng đầu như Apple, Samsung đã cần hơn 100.000 lao động.

Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong năm cho biết: Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đều đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thông tin trên phương diện trực tuyến và trực tiếp trên các nền tảng xã hội; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trong công tác tuyên truyền và tuyển dụng lao động tại địa phương; ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực… Tuy nhiên, tiến độ tuyển dụng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn trong các KCN.

Nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó trong việc tuyển dụng

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thường vào cùng khoảng thời gian đầu năm và giữa năm nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng lao động cũng như nguồn cung ứng lao động kịp thời của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ việc làm.

Lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ phải về quê xin đóng dấu của địa phương trong tài liệu sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận dân sự, ảnh hưởng đến tiến độ tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhận thức, tác phong công nghiệp của lao động ngoại tỉnh, đặc biệt lao động đến từ vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, thiếu tính ổn định. Lao động ngoại tỉnh đến các KCN trong tỉnh còn khó khăn trong việc tìm nhà trọ ổn định chỗ ở… 

Các đối tác Apple cần tuyển đến 100.000 người phục vụ sản xuất: Một tỉnh miền Bắc gấp rút lên kế hoạch thu hút thêm lao động ngoại tỉnh- Ảnh 2.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh và lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh, ngoài những nguyên nhân khách quan mà các doanh nghiệp đưa ra, nguyên nhân lao động trong các doanh nghiệp còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất là do hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có giải pháp để giữ chân lao động khi tuyển dụng. Một số doanh nghiệp sản xuất có tính thời vụ, có sự đào thải lao động khi thu hẹp sản xuất. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng còn giới hạn về độ tuổi, giới tính nên khó khăn cho bên cung ứng tuyển dụng.

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, phối hợp với cơ quan chức năng cho doanh nghiệp sử dụng thiết bị quét thông tin từ thẻ căn cước công dân khi tìm hiểu thông tin tuyển dụng. Quan tâm hỗ trợ thúc đẩy tuyên truyền, thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động ở ngoại tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh truyền thông tuyển dụng lao động chất lượng cao; mở thêm các khoa ngoại ngữ tại các trường Cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh…

Sẽ ban hành kế hoạch xúc tiến thu hút lao động về tỉnh

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn làm rõ các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về sử dụng hệ thống máy móc quản lý người lao động bằng công nghệ số. 
Đồng thời cho biết tỉnh sẽ ban hành kế hoạch về xúc tiến thu hút lao động về tỉnh Bắc Giang, trong đó có giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, cả phương án tuyển dụng lẫn tuyên truyền. 
Tới đây tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường cao đẳng, dạy nghề liên kết đào tạo các ngành nghề phục vụ sản xuất công nghiệp. Đối với đề nghị của doanh nghiệp về tuyển dụng lao động ở các tỉnh khác, đồng chí giao cho Sở LĐTB-XH làm đầu mối xác nhận các thủ tục.
Ông Sơn đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Hiệp hội cung ứng nhân lực để tuyển dụng lao động phù hợp với đơn vị. Hiệp hội Cung ứng nhân lực tỉnh phát huy tốt vai trò trung gian, là cầu nối giữa doanh nghiệp và trung tâm cung ứng nhân lực.

Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, đồng chí đề nghị phải coi trọng người lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, từ đó mới tạo được sự gắn bó của công nhân, tránh tình trạng "nhảy việc".

Sở LĐTB-XH, Ban Quản lý các KCN tỉnh và Hiệp Hội cung ứng nhân lực cần phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi nắm bắt thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Sở LĐTB-XH chủ trì xây dựng dự thảo kế hoạch bàn về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, triển khai lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp cung ứng lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động, sớm hoàn thiện để trình UBND tỉnh. Phối hợp với các Trung tâm giới thiệu việc làm tại các tỉnh lân cận trao đổi tìm hiểu về cách làm để hoàn thiện tốt nhất kế hoạch, với mục tiêu là làm thế nào thông tin về thị trường lao động phải được người lao động tiếp cận nhanh nhất và dễ dàng nhất. Ngoài ra, Sở cũng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về lao động, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Ban Quản lý các KCN tỉnh thống kê đầy đủ, chính xác nhu cầu thực sự về tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời thống kê chính xác về việc đảm bảo chế độ, chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động.


Thái Quỳnh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên