MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các đường dây xăng lậu, xăng giả bị triệt phá, Bộ Công Thương nói gì về trách nhiệm quản lý?

12-03-2021 - 20:16 PM | Thị trường

Đại diện Bộ Công Thương đã lên tiếng về trách nhiệm quản lý của bộ sau các vụ buôn lậu xăng dầu, xăng dầu giả bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá thời gian qua.

Ngày 12-3, tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Công Thương đã trả lời câu hỏi về trách nhiệm quản lý của bộ trước việc liên tiếp các đường dây buôn lậu xăng dầu, xăng giả, xăng kém chất lượng bị triệt phá thời gian qua.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…) cũng như sự quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an, hải quan, Bộ Tài chính, Công Thương….).

 Các đường dây xăng lậu, xăng giả bị triệt phá, Bộ Công Thương nói gì về trách nhiệm quản lý?  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng vừa triệt phá đường dây 2,7 triệu lít xăng giả

Riêng với Bộ Công Thương, theo ông Đông, trách nhiệm trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu được quy định nhiều nhất trong Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo Nghị định, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công chịu trách nhiệm về vấn đề chất lượng, số lượng, cũng như pha chế. Còn với các địa phương, có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân xăng dầu trên địa bàn của mình, cũng như giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn của mình.

"Trong Nghị định 83, Bộ Công Thương có 3 chức năng chính: Chủ trù phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối" - ông Trần Duy Đông cho hay.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, trong thời gian theo dõi vừa qua, việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 cơ bản được thực hiện tốt. Tuy nhiên có một số thương nhân có dấu hiệu, có biểu hiện vi phạm Nghị định 83 như liên quan tới việc duy trì điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương luôn chú trọng tới việc yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ.

"Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như công an, hải quan, Bộ Tài chính… để phòng chống gian lận thương mại, cũng như giám sát hoạt động của các thương nhân kinh doanh xăng dầu"- lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập chuyên án, phối hợp Cục Cảnh sát hình sự cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá đường dây tổ chức làm xăng giả với quy mô lớn, tinh vi diễn ra tại nhiều tỉnh thành như TP HCM, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, lên tới 2,7 triệu lít.

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam tổng cộng 39 bị can để điều tra về các tội: Buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ, nhận hối lộ, đưa hối lộ. Hiện, vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Theo Minh Chiến

Người lao động

Trở lên trên