Các kênh đầu tư nhiều biến động, nên đổ tiền vào đâu 6 tháng cuối năm?
Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm đã chứng kiến nhiều biến động của các kênh đầu tư khiến nhiều người băn khoăn nên đổ tiền vào đâu để sinh lời tốt nhất?
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, các kênh đầu tư chính hiện nay gồm: chứng khoán, bất động sản, vàng, gửi ngân hàng và đầu tư ngoại tệ. Trước khi quyết định đầu tư vào đâu, đầu tiên, nhà đầu tư phải xác định rõ 3 tiêu chí chính:
Thứ nhất là đầu tư vào đâu để đảm bảo an toàn vốn, không bị mất vốn. Thứ hai, đầu tư vào đâu để sinh lời và thứ ba là phải có tính thanh khoản, có thể chuyển hóa ra tiền mặt một cách nhanh chóng.
Từ đó, nhà đầu tư có thể chọn kênh đầu tư phù hợp dựa trên cách tính theo thang điểm.
Ông Hiếu nêu ví dụ: “ Chẳng hạn đối với vàng thì an toàn vốn tại thời điểm này là 6/10 điểm vì đầu tư vào vàng trong lúc này chưa mang tính ổn định và an toàn vốn cao.
Về sinh lời, trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng và cho 4 ngân hàng thương mại bán vàng thì tỷ lệ sinh lời khá cao. Tuy nhiên tại thời điểm này, giá vàng đã giảm rất sâu và tỷ lệ sinh lời thấp, đạt 4/10 điểm.
Vàng có tính thanh khoản rất cao, bất cứ lúc nào cũng chuyển đối sang tiềm mặt nên đạt 8/10. Với 3 tiêu chí trên cộng lại thì vàng đạt 18/30 điểm ”.
Phân tích kỹ vào các kênh đầu tư, ông Hiếu cho rằng hiện tỷ giá đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khi FED mở ra triển vọng có thể giảm lãi suất vào những tháng cuối năm thì giá USD sẽ giảm xuống. Việc đầu tư ngoại tệ do đó cần cân nhắc kỹ.
Về tiền gửi ngân hàng, sau thời gian lãi suất huy động liên tiếp giảm, hạ xuống mức thấp nhất lịch sử thì các ngân hàng đang đồng loạt tăng trở lại. Tuy nhiên, xu hướng tăng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp.
Thị trường vàng sau thời gian tăng "điên loạn" hiện đang bình ổn dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng trong nước đã giảm xuống rất sâu và tiến gần với giá thế giới. Đây là một thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, để giúp ổn định lâu dài thị trường vàng thì cần hai yếu tố. Điều kiện cần là giá vàng phải ở mức hợp lý và điều kiện đủ là nguồn cung phải đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Còn thị trường chứng khoán đã có giai đoạn tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa ổn định, bền vững. Một trong những nguyên nhân của sự bất ổn này là do chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi khối ngoại. Trong khi đó khối ngoại lại có chiến lược kinh doanh phụ thuộc vào kinh tế và tài chính thế giới. Chính vì vậy, những chính sách về tài chính tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài.
“ Việc phụ thuộc vào biến động của thị trường tài chính thế giới sẽ khiến chứng khoán Việt Nam tuy diễn biến theo hướng tích cực nhưng chưa có sự ổn định bền vững ”, ông Hiếu nói.
Về thị trường bất động sản, ông Hiếu cho rằng vẫn rất trầm lắng khi mà giá vượt xa tầm tay người tiêu dùng. Chuyên gia dự đoán tình hình chỉ có thể khởi sắc rõ rệt từ nửa cuối năm 2025.
“Theo tôi, trong 6 tháng cuối năm, gửi tiết kiệm là kênh an toàn nhất, chỉ số hiệu quả nhất và lãi suất dự báo tiếp tục tăng. Chứng khoán cũng có thể nên xem xét đầu tư nhưng cần thận trọng, lựa chọn chính xác mã cổ phiếu để hạn chế rủi ro, vì từ nay đến cuối năm, những biến động chính trị trên thế giới còn nhiều”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, mỗi kênh đầu tư đều có đặc điểm, lợi thế và hạn chế riêng. Việc lựa chọn đầu tư vào đâu trong 6 tháng cuối năm phải phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư.
Có những kênh đầu tư cần nguồn vốn rất lớn, cũng như đòi hỏi nhà đầu tư phải có khẩu vị rủi ro cao bởi biến động giá cả và rủi ro lớn, đó là bất động sản.
Trong khi lựa chọn đầu tư vàng thì không cần vốn quá lớn. Tuy nhiên, sự biến động mạnh của giá vàng thời gian qua cho thấy đây không phải là kênh đầu tư lý tưởng. Nên coi vàng là kênh dự trữ tài sản hơn là kênh đầu tư. Những thay đổi quá lớn và quá nhanh của vàng có thể khiến nhà đầu tư lãi lớn hoặc lỗ nhanh trong thời gian ngắn.
Về chứng khoán, ông Bình lạc cho rằng có triển vọng cao trong bối cảnh gắn với kinh tế trong nước và toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục tích cực. Nền kinh tế Việt Nam trong quý I tăng trưởng hơn 5%, lạm phát được kiểm soát tốt ở khoảng 4%, xuất nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý II, tuy chưa có con số tăng trưởng chính thức nhưng có thể vẫn đạt mức khả quan. Đó có thể là phong vũ biểu của nền kinh tế và sẽ kéo chứng khoán tăng theo.
“Tuy nhiên muốn lựa chọn đầu tư kênh này thì phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nguồn vốn lớn, đầu tư lâu dài và tầm nhìn dài hạn, trung hạn chứ không phải là ngắn hạn”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Gửi tiết kiệm là kênh phù hợp với tất cả người dân và lãi suất đang gia tăng sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là người có khẩu vị rủi ro thấp, mong muốn sự ổn định.
“Tuy vậy, nhà đầu tư cũng không nên bỏ trứng vào một giỏ mà phải đa dạng hoá kênh đầu tư của mình để đảm bảo an toàn”, ông Bình nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam cho rằng, triển vọng nền kinh tế nửa cuối năm nay rất sáng sủa. Nhưng với nhà đầu tư, nguyên tắc bất di bất dịch là phải đa dạng hóa danh mục, đầu tư vào nhiều kênh khác nhau.
Theo ông Phục, trong các kênh đầu tư, tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì được sự hấp dẫn riêng. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 5 - 6%/năm đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi, thanh khoản và an toàn cao. Thực tế, tiền gửi của cá nhân vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng.
Chứng khoán cũng đang là những kênh đầu tư đáng chú ý. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã phục hồi 12% và vẫn đang có nhiều dấu hiệu tích cực do mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, triển vọng nền kinh tế phục hồi khả quan, xuất khẩu tăng, sản xuất công nghiệp phục hồi…cho nhiều ngành, lĩnh vực.
“Riêng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự thanh lọc đáng kể thời gian qua và vẫn là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó khăn hơn trong tham gia thị trường này. Nếu muốn đầu tư trái phiếu, đa phần nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải tham gia đầu tư qua các quỹ”, ông Phục nói.
vtcnews.vn