MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các khu công nghiệp ở Quảng Nam "mỏi mắt" tìm lao động

08-10-2016 - 21:41 PM | Xã hội

Nhu cầu tuyển dụng lao động ở Quảng Nam rất lớn, nhưng do chất lượng chưa đáp ứng nên dự báo nguồn lao động sẽ thiếu trầm trọng, kể cả vị trí quản lý.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 4.700 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 400.000 lao động. Tốc độ công nghiệp hóa ở địa phương này khá nhanh, xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Thế nhưng lao động đã qua đào tạo nghề phần lớn không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam sau hơn 1 hoạt động đã thu hút 10 doanh nghiệp đầu tư, trong đó 90% doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký gần 200 triệu USD.

Các doanh nghiệp đầu tư vào đây chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc, nhu cầu tuyển dụng lao động từ nay đến cuối năm 2017 là 20.000 người. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi khi hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này đi vào hoạt động.

Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ mới tuyển dụng được hơn 2.200 lao động. Dự báo lao động phục vụ cho các doanh nghiệp sẽ thiếu trầm trọng trong thời gian tới, kể cả lao động quản lý.

Ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tam Kỳ cho biết, chính quyền và ngành chức năng thành phố cùng bàn bạc với các doanh nghiệp đưa ra các cơ chế khuyến khích con em địa phương đi làm ăn xa trở về làm việc tại quê hương thông qua chính sách tiền lương và các khoản thu nhập khác, mở rộng đào tạo nghề.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 47 cơ sở dạy nghề. Trong 5 năm qua, địa phương này đã đào tạo nghề cho hơn 166.000 người. Trong đó, đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp nghề hơn 10.000 người, còn lại là sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, phần đông học viên ra trường không tìm được việc làm. Quá trình đào tạo thiếu sự gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp; sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải tốn thời gian đào tạo lại.

Ông Nguyễn Phụ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam cho rằng, chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông Phụ, khoảng cách giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là một trong những vấn đề cần giải quyết. Các cơ sở đào tạo cần phải đến doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu đào tạo.

Tháng 7 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam thông qua Nghị quyết về ban hành cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu hướng tới là huy động nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đó, 154 tỷ đồng sẽ được hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm tới, tỉnh sẽ đào tạo khoảng 5.000 người, sau đó nâng dần lên đến khoảng hơn 40.000 người vào năm 2020./.

Theo Hoài Nam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên