Các ngân hàng đẩy lãi suất lên trên 10% đã đồng loạt điều chỉnh về mức ngang thị trường là dưới 9%
Mức lãi suất 10,5%/năm tại NCB và 11%/năm tại Nam A Bank đã không còn được niêm yết.
- 03-11-2022Bóc chiêu quảng cáo 'dụ' khách gửi tiền lãi suất cao
- 03-11-2022Lãi suất huy động tăng cao, dòng tiền dịch chuyển sang tiết kiệm
- 03-11-2022Lãi suất "nóng", đâu là ngân hàng hút tiền gửi tốt nhất trong quý 3/2022?
Những ngày vừa qua tiếp tục chứng kiến cuộc đua lãi suất huy động tăng nóng giữa các ngân hàng. Trong đó, lần đầu tiên trong nhiều năm đã xuất hiện mức lãi suất tiền gửi ngân hàng trên 10%/năm.
Cụ thể, theo biểu lãi suất có hiệu lực từ ngày 27/10 dành cho khách hàng cá nhân, Ngân hàng Quốc dân (NCB) áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ trở lên. Tuy nhiên, trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ trước và có sự đồng ý của ngân hàng.
Biểu lãi suất niêm yết của Nam A Bank có hiệu lực từ ngày 26/10 cũng cho biết, ngân hàng này áp dụng lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu cho các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm. Dù áp dụng mức lãi suất lên tới 11%/năm trong 3 tháng đầu, nhưng tính chung nếu khách hàng gửi tiền 9 tháng theo sản phẩm này thì thực lãi chỉ là 7,63%/năm.
Đáng chú ý, chỉ sau khi áp dụng 1-2 ngày, các ngân hàng này đều ngưng và điều chỉnh biểu lãi suất huy động về ngang thị trường chung, không còn các mức lãi suất trên 10% như trước đó.
Theo đó, biểu lãi suất hiện tại của NCB không còn mức lãi suất 10,5% dành cho khách hàng cá nhân gửi trên 500 tỷ. Trong khi các mức lãi suất khác vẫn giữ nguyên. Cụ thể, với các khoản tiền gửi thông thường, nhà băng này áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 8,95%/năm cho các kỳ hạn 24, 30, 36 và 60 tháng tại sản phẩm Tiết kiệm An Phú theo hình thức gửi tiền online; kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng được hưởng lãi suất 8,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hưởng lãi suất 8,75%.
Ngoài ra, với các khách hàng lần đầu tiên gửi tiết kiệm tại NCB, ngân hàng này sẽ cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên NCB iziMobile.
Với hình thức tiết kiệm tại quầy, NCB huy lãi suất tiền gửi cao nhất là 8,65% cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên tại sản phẩm Tiết kiệm rút gốc linh hoạt.
Tương tự, website của Nam A Bank cũng không còn niêm yết sản phẩm tiền gửi Happy Future (vốn có lãi suất áp dụng 11%/năm cho 3 tháng đầu). Trong khi lãi suất áp dụng cho các sản phẩm khác vẫn được giữ nguyên
Cụ thể, với tiền gửi thông thường, lãi suất cao nhất được Nam A Bank áp dụng là 8,5%/năm dành cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Trong trường hợp khách hàng gửi tiền theo hình thức trực tuyến, mức lãi suất 8,5%/năm được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, Nam A Bank cũng triển khai mức lãi suất lên 8,9% dành cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ trở lên và phải được sự phê duyệt của Tổng Giám đốc.
Các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ ngày 25/10. Trong đó, hầu hết ngân hàng tư nhân đều đưa lãi suất niêm yết cao nhất lên trên 8,5%/năm, thậm chí trên 9%/năm.
Giới phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.
Theo SSI Research, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng vẫn còn khá phức tạp. Các ngân hàng trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 0,3 – 1 điểm % tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các ngân hàng đã đẩy lên mức trần 6%. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
''Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản (3 – 4%/năm) so với cuối năm 2021'', SSI Research cho biết.
Nhịp sống Thị trường