Các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay
Lãi suất 8%/năm không còn xuất hiện trên biểu niêm yết huy động tiền gửi của các ngân hàng. Trong khi tuần qua hàng loạt nhà băng công bố giảm lãi suất cho vay.
- 29-06-2023Ngân hàng Nhà nước cấm các nhà băng cho khách vay vốn để gửi tiền
- 29-06-2023Các trường hợp không được tổ chức tín dụng cho vay vốn từ 1/9/2023
Lãi suất huy động xuống dưới 8%/năm
Trong tuần này, hàng loạt ngân hàng như GPBank, HDBank, Oceanbank, NCB, SCB…đã tiếp tục giảm lãi suất huy động, mức điều chỉnh phổ biến là 0,1-0,2 điểm %. Riêng HDBank, SCB có mức giảm tới 0,5 điểm %.
Khảo sát cho thấy hiện không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất từ 8% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng.Các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,5 – 7,8% như ABBank, BacABank, VietBank, OceanBank, Nam A Bank, BVBank, SHB, VietABank, NCB, OCB và Eximbank.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 1 năm dao động trong khoảng 7 - 7,2%/năm. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường là 6,3%/năm.
Hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.
Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 – 3 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận vào cuối tháng 1/2023.
Tương tự với kỳ hạn 36 tháng, hiện cũng không còn mức niêm yết lãi suất huy động 8%/năm. Mức cao nhất được ghi nhận là 7,9%/năm tại BacABank và VietCapitalBank. Một số ngân hàng khác có lãi suất 7,7-7,8%/năm ở kỳ hạn 3 năm còn có GPBank, ABBank, PVCombank, OceanBank, SHB, SeABank.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Động thái giảm mạnh lãi suất huy động diễn ra khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã văn bản gửi yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. NHNN yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các nhà băng thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay. Theo đó, các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Loạt nhà băng như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank,…gần đây đã công bố về chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, hoặc/và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Điển hình như Agribank có chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay. Đối với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay thì lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,0%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank.
Trước đó, Agribank cũng thông báo giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
BIDV chính thức triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng. Các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.
Nhịp sống thị trường