MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng lý giải vì sao không chia cổ tức cho cổ đông

22-04-2019 - 16:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ đông nhỏ lẻ của một số ngân hàng nhiều năm liền mong ngóng được chia cổ tức tiếp tục bị thất vọng trong mùa đại hội cổ đông 2019.

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 của Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn (SCB) vừa tổ chức, một số cổ đông tiếp tục thất vọng khi năm nay vẫn chưa chia cổ tức.

Cổ đông Nguyễn Đình Hiếu hỏi lãnh đạo SCB bao giờ NH có thể chia cổ tức cho cổ đông, chứ cổ đông nhỏ lẻ chờ lâu quá rồi. Bao giờ NH mới hết trích lập dự phòng rủi ro hoặc trích dự phòng ít hơn 45% lợi nhuận, vì mức trích hiện nay lên tới 90% lợi nhuận?

Năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 229 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm trước nhưng do phải trích lập dự phòng rủi ro 2.162 tỉ đồng nên NH tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông. Một cổ đông khác của SCB băn khoăn, năm ngoái Hội đồng quản trị (HĐQT) NH hứa sẽ dành 600 tỉ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cho cổ đông theo hình thức bổ sung cổ phiếu sao năm nay vẫn chưa thấy?

Trả lời cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết trong điều kiện đang tái cơ cấu, NH chưa thể chia cổ tức cho cổ đông vì NH Nhà nước chưa cho phép. Ông động viên cổ đông nên kiên nhẫn chờ đợi và sẽ đề xuất HĐQT ghi nhận những cổ đông gắn bó với NH 5-10 năm qua.

Các ngân hàng lý giải vì sao không chia cổ tức cho cổ đông - Ảnh 1.

Cổ đông SCB thêm một năm không có cổ tức vì ngân hàng đang tái cơ cấu. Ảnh: Linh Anh

Tại ĐHCĐ NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa diễn ra cũng thông qua việc không chia cổ tức năm 2018 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận hiện có để bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của NH Nhà nước và đáp ứng nhu cầu phát triển từ nay đến năm 2020 của NH. Năm 2019, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cao hơn và cổ tức dự kiến sẽ chia khoảng 13%.

Một NH khác cũng không chia cổ tức là NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). ĐHCĐ đã nhất trí với kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên qua. Techcombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các sáng kiến giúp tăng vốn chủ sở hữu và tạo đà cho tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lại. Theo lãnh đạo NH, đây là chiến lược đã tạo nên sự thành công cho NH khi giúp tăng vốn chủ hữu gấp 3 lần trong vài năm qua, giúp lợi nhuận cán mốc 10.000 tỉ đồng.

Trong bối cảnh NH Nhà nước yêu cầu áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, các NH thương mại đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng thêm vốn, tăng hệ số an toàn vốn. Trong khi đó, một số NH thương mại khác muốn chia cổ tức phải được NH Nhà nước thông qua sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Dù đến ngày 26-4 mới tổ chức ĐHCĐ nhưng trong tài liệu gửi cổ đông, lãnh đạo NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã trần tình việc không chia cổ tức cho cổ đông kể từ sau sáp nhập đến nay, do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính. Điều này dẫn đến tâm lý không hài lòng đối với phần lớn các cổ đông của NH.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank, cho biết NH chỉ được chi trả cổ tức cho cổ đông theo Đề án tái cơ cấu đã được NH Nhà nước phê duyệt (lộ trình đến năm 2025). Trong năm 2018, HĐQT đã tích cực kiến nghị NH Nhà nước chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại phù hợp kết quả tài chính hàng năm. Đề xuất này vẫn bảo đảm trích lập dự phòng theo đề án tái cơ cấu, bảo đảm các chỉ số an toàn hoạt động, bảo đảm hài hoà lợi ích cổ đông. Tuy nhiên, đến giờ Sacombank vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của NH Nhà nước.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên