Các ngân hàng sẽ được lợi bao nhiêu từ việc điều chỉnh lãi suất của NHNN?
Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh này, NHNN đã tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc. Theo ước tính của KBSV, các ngân hàng thương mại sẽ được lợi gần 660 tỷ đồng từ quy định mới này.
- 18-03-2020Hạ một loạt lãi suất: Lợi ích đầu tiên thuộc về ai và có đủ để "cứu" doanh nghiệp?
- 17-03-2020Không chỉ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất kỳ hạn dài cũng đồng loạt giảm mạnh tại nhiều ngân hàng từ 17/3
- 17-03-2020Hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành lúc này sẽ tác động thế nào lên tỷ giá, lạm phát?
Bộ phận phân tích chứng khoán KB Securities (KBSV) vừa có báo cáo nhận định tác động của việc NHNN hạ một loạt lãi suất điều hành từ 17/3.
Cụ thể, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông báo hạ lãi suất điều hành, được xem là động thái chính thức đầu tiên nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, một số lãi suất điều hành chính được điều chỉnh giảm như sau: lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; trần lãi suất huy động được giảm 0,25%, xuống còn 4,75%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng – dưới 6 tháng. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, tăng 0,2%/năm.
Đánh giá về việc hạ lãi suất mua kỳ hạn (reverse repo) từ 4,0% xuống 3,5%/năm và các lãi suất chính sách khác như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, KBSV cho rằng không có nhiều tác động ở thời điểm hiện tại do: i) tái cấp vốn và tái chiết khấu không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ ̉diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng; ii) thanh khoản hệ thống đang dồi dào, kênh reverse repo trên thị trường OMO không được sử dụng trong 3 tháng gần đây.
Đối với việc hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng. Về tổng thể, tác động trực tiếp đến các NHTM là có, tuy nhiên không nhiều do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường, đặc biệt mức giảm đối với trần lãi suất huy động lần này chỉ ở mức 25bps.
Điểm đáng chú ý trong lần này là NHNN đã có động thái tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm, nhằm hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh thu nhập các NHTM bị ảnh hưởng khi triển khai các gói tín dụng ưu đãi (trị giá 285.000 tỷ đồng), dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.
Theo số liệu từ BCTC các NHTM, tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị tiền gửi tại NHNN của các NHTM vào khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Như vậy, mức hỗ trợ từ NHNN là gần 660 tỷ đồng.
Trước quy định mới của NHNN, KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới (kỳ vọng 0,5 điểm phần trăm) với 2 cơ sở chính: i) do tác động của Covid-19, nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh (thể hiện qua tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,06% YoY, thấp nhất trong vòng 6 năm), trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào; ii) chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
Với việc lạm phát vẫn đang ở mức cao, dư địa để NHNN tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới là không lớn. Thay vào đó, KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm... có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát.