MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng trung ương lớn xem xét tiếp tục bơm tiền

06-11-2020 - 21:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang khởi động kế hoạch chi thêm tiền nhằm cứu trợ nền kinh tế vốn đang lao đao trong cơn bão đại dịch.

Tuần này, thị trường đón nhận thông tin quan trọng về hướng quyết định chính sách tài khóa, tiền tệ từ các nền kinh tế lớn.

Trong đó, Liên minh Châu Âu (EU) đang tiến gần hơn đến gói cứu trợ kinh tế. Cụ thể, Nghị viện EU đã nhất trí sẽ gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.

Như vâỵ, EU đã tiến thêm một bước tới việc thông qua ngân sách dài hạn 1.100 tỷ EUR và các nước thành viên sẽ phải tuân thủ vai trò trong gói ngân sách này.

Bên cạnh đó, gói cứu trợ kinh tế trị giá 750 tỷ EUR vốn bị treo trong những tháng vừa qua có khả năng sẽ sớm được kích hoạt khi ngân sách đã được đảm bảo.

Trong khi đó, trong phiên họp ngày hôm qua, NHTW Anh (BOE) cho biết mong muốn một chính sách tiền tệ để đưa lạm phát tới mức mục tiêu 2,0%, giúp tăng trưởng việc làm và phục hồi kinh tế nước Anh trước tác động của dịch Covid-19.

Cả 9 thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOE đều đồng ý duy trì lãi suất cơ sở ở mức 0,1%; không có sự thay đổi so với trước.

Đáng chú ý, BOE thông qua việc tăng mua trái phiếu chính phủ thêm 150 tỷ GBP, nâng tổng mức nắm giữ tài sản của ngân hàng trung ương này lên mức 875 tỷ GBP.

BOE cam kết sẽ không thắt chặt chính sách tiền tệ cho tới khi đạt những mục tiêu kể trên.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây cũng vừa quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách và chương trình mua tài sản.

Trong phiên họp chính sách tháng 11, Fed không thay đổi lãi suất được ấn định hồi tháng 3 ở mức từ 0 – 0,25%, đồng thời duy trì mua trái phiếu hàng tháng ở mức 120 tỷ USD.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát biểu về triển vọng kinh tế khi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa chắc chắn. Theo Fed, hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với đầu năm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, nền kinh tế cần được hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tại Việt Nam, một chuyển động đáng chú ý gần đây là Bộ Tài chính tiến hành xây dựng dự thảo cơ chế để Kho bạc Nhà nước mua lại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Theo đó, dự kiến thị trường dự kiến sẽ có thêm một kênh bơm tiền bên cạnh hoạt động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Linh Linh

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên