MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát

15-04-2022 - 19:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát

Các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đang chạy đua với thời gian để chống lại lạm phát gia tăng. New Zealand và Canada tuần này đã bất ngờ tăng lãi suất mạnh mẽ, tiếp theo sau là ECB hôm thứ Năm (14/4) bám sát kế hoạch sẽ giảm kích thích tài chính trong năm nay.

Trong khi phải đề phòng những tác động tiêu cực từ cuộc chiến ở Ukraine, các ngân hàng vẫn phải theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát – yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng do giá năng lượng tăng cao và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, những vấn đề có thể phủ bóng lên triển vọng kinh tế, từ đó thu hẹp cánh cửa thắt chặt tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 1.

Lãi suất ở một số thị trường quan trọng trên thế giới.

1) Nauy

NHTW Na Uy (Nordea) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,75% vào ngày 24 tháng 3 và công bố kế hoạch tăng tốc nhanh hơn so với kế hoạch trước đó. Cụ thể, tính cả lần tăng lãi suất trong tháng 3, Nordea hiện đang dự định tăng lãi suất tổng cộng 8 lần, lên 2,5% vào cuối năm 2023, cao gấp 3 lần mức dự kiến hồi tháng 3, và gấp hơn 2 lần so với dự đoán của thị trường trong cuộc thăm dò do Reuters tiến hành vào tháng 3.

Na Uy là một trong những NHTW tiên phong trong chiến dịch tăng lãi suất, khi bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 9/2021 và tiếp theo là tháng 12/2021, lên 0,5%.

2) New Zealand

Ngân hàng Dự trữ New Zealand hôm thứ Tư (13/4) đã củng cố vị thế của mình là một trong những NHTW "diều hâu" nhất thế giới khi tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) lên 1,5%, mức tăng lớn nhất trong vòng hai thập kỷ và là lần tăng thứ tư trong chu kỳ hiện tại, đồng thời duy trì dự báo lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 3,35% vào cuối năm 2023.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 2.

NHTW New Zealand tích cực tăng lãi suất.

3) Canada

Sau khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 (từ 0,25% lên 0,5%, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2018), ngày 13/4 NHTW Canada (BoC) cũng tăng lãi suất cơ bản thêm 50 bps lên 1%, mức tăng nhiều nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ.

Kể từ tuần tới, BoC cũng sẽ đưa trái phiếu đáo hạn ra khỏi bảng cân đối kế toán. Thống đốc BoC, Tiff Macklem, cho rằng lãi suất vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung lập - ước tính từ 2% -3%. Thị trường kỳ vọng lãi suất của Canada sẽ đạt 2,5% vào cuối năm nay.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 3.

NHTW Canada tuyên chiến với lạm phát.

4) Vương quốc Anh

Với lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm, NHTW Anh đang chịu áp lực buộc phải thắt chặt chính sách hơn nữa sau khi đã tăng lãi suất 3 lần kể từ tháng 12.

Gần như toàn bộ thị trường đều tin chắc rằng Anh sẽ tăng lãi suất thêm 25 bps lên 1% vào ngày 5 tháng 5 và sau đó là một số lần tăng nữa để đạt 2% - 2,25% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, với việc giá năng lượng tăng cao đe dọa tăng trưởng kinh tế, BoE đã giảm nhẹ các phát ngôn về sự cần thiết phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 4.

Lạm phát của Anh cao nhất 30 năm.

5) Mỹ

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tháng 3/2022 đã tăng lãi suất thêm 1/4 điểm lên 0,25% -0,5% và đã tỏ ý sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm vào ngày 4 tháng 5. Họ cũng đang thảo luận về việc cắt giảm danh mục tài sản của mình.

Lạm phát của Mỹ, đạt mức cao nhất trong 40 năm trong tháng 3 – là 8,5%, có thể đang bắt đầu đạt đỉnh, nhưng dự kiến ​​sẽ duy trì trên mục tiêu 2% của Fed ít nhất là đến năm 2023.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 5.

Cán cân thanh toán của các NHTW có xu hướng thu hẹp lại.

6) Australia

Những dự đoán của thị trường về việc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ xoay trục chính sách sang "diều hâu" đã trở thành hiện thực vào ngày 5/4 khi RBA đã báo hiệu có khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất khỏi mức 0,1% kể từ tháng 6/2022.

Dữ liệu vào cuối tháng này dự kiến ​​cho thấy lạm phát hàng năm ở mức 3,2%, theo kết quả của một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 12 tháng 4, cho thấy các điều kiện kinh doanh mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống dưới 4% trong năm nay lần đầu tiên kể từ những năm 1970.

Lãi suất của Australia dự kiến sẽ tăng 25 bps trong tháng 6 và có thể tăng dần lên tổng cộng 200 bps vào cuối năm nay.

7) Eurozone

NHTW châu Âu là một trong những NHTW thận trọng nhất trong số các NHTW lớn. Hôm thứ Năm (14/4), họ mắc kẹt với kế hoạch từ từ gỡ bỏ các biện pháp kích thích khổng lồ đã áp dụng trong giai đoạn đại dịch, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo về lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ đẩy nền kinh tế khu vực đồng euro vào suy thoái.

Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay và thị trường dự đoán lãi suất sẽ được tăng tổng cộng 60 bps vào cuối năm nay.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 6.

Lạm phát của Eurozone vượt xa mục tiêu 2%.

8) Thụy Điển

Tỷ lệ lạm phát 6,1% của Thụy Điển, cao nhất kể từ năm 1991, có thể khiến ngân hàng Riksbank bấy lâu nay vẫn ôn hòa nhưng giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc biến thành "diều hâu".

NHTW Thụy Điển sẽ phải xem xét lại cách tiếp cận chính sách của mình tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 28 tháng 4, phó thống đốc Martin Floden cho biết vào tuần trước. Thống đốc Stefan Ingves, người có cuộc bỏ phiếu vào tháng 2 - là người quyết định giữ nguyên kế hoạch bảng cân đối kế toán trong năm nay, gần đây cũng đã có phát biểu tương tự.

Cho đến thời điểm này, mục tiêu chính thức của Riksbank vẫn là đến năm 2024 mới tăng lãi suất, trong khi thị trường dự đoán lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng từ 0 đến 1% vào tháng 11/2022.

9) Thụy Sỹ

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) vẫn ở trong tình trạng ôn hòa, nhưng với lạm phát năm 2022 được dự đoán ở mức trên mục tiêu 2,1%, họ đang chú ý nhiều hơn đến vấn đề giá cả.

Việc nhà đầu tư tăng cường mua đồng franc Thụy Sỹ để trú ẩn an toàn trong bối cảnh xảy ra xung đột ở Ukraine đã buộc SNB phải tăng cường can thiệp vào thị trường tiền tệ. Được biết, các khoản tiền gửi bằng đồng franc đã tăng lên 8 tỷ franc Thụy Sĩ (8,58 tỷ USD) trong ba tuần qua.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 7.

Tỷ giá fran/euro và mức tiền gửi bằng đồng franc Thụy Sỹ.

10) Nhật Bản

NHTW Nhật Bản (BOJ) vẫn tiếp tục là "chim bồ câu" với thái độ cực kỳ ôn hòa. Thống đốc Haruhiko Kuroda đã cảnh báo lạm phát tăng đột biến gần đây, do chi phí nhập khẩu cao, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, song cũng nhấn mạnh quyết tâm của BOJ trong việc giữ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.

Các nhà giao dịch đã tăng tỷ lệ đặt cược vào việc đồng yên sẽ yếu thêm nữa, sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ so với đồng đô la trong tuần này.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” chống lạm phát - Ảnh 8.

Cán cân tài khoản vãng lai và lạm phát của Nhật Bản.

Tham khảo: Refinitiv

https://cafef.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-tiep-tuc-tro-choi-chong-lam-phat-20220415170707792.chn

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên