MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Các ngân hàng Việt đang chủ yếu cạnh tranh về giá, hơn là sự khác biệt"

11-05-2019 - 13:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là nhận định của ông Phạm Hồng hải, Tổng Giám đốc HSBC về vị thế của các ngân hàng Việt trong khu vực.

Chia sẻ tại diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 "Để ngân hàng Việt vươn xa", ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho biết, Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. 

"Chúng tôi đi nhiều quốc gia kêu gọi đầu tư FDI tại Việt Nam. Các NĐT nước ngoài đều nhận định Việt Nam là điểm sáng đầu tư FDI, nhờ thành quả điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có tỷ giá. Cách thức điều hành của NHNN đã thông minh hơn rất nhiều, bao gồm cả việc tận dụng truyền thông và các biện pháp kỹ thuật", ông nói. 

Theo ông Hải, thông thường những năm trước đây, NHNN giữ tỷ giá cố định, nhưng nay đã linh hoạt và điều chỉnh ngay, tạo dựng được niềm tin thị trường. Khi có biến động thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định nên cách điều hành phải ổn định, thống nhất, tránh tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tương lai.

Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng nhận xét rằng ngân hàng Việt đang may mắn vì ở trong tiềm năng thị trường tốt. Nhiều ngân hàng nước ngoài đang xếp hàng xin phép mở chi nhánh thâm nhập vào Việt Nam.

"Tuy nhiên, để có những ngân hàng có quy mô trong khu vực không nhiều. Ngoài ra, các ngân hàng đang có khăn trong định vị, hiện các ngân hàng chủ yếu theo chiến lược cạnh tranh về giá chứ không theo sự khác biệt.", ông nói. 

Ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, để phát triển vị thế của mình, các ngân hàng Việt cần xác định thế mạnh cạnh tranh để tạo sự khác biệt. Nếu không nhìn nhận thực tế vấn đề của các ngân hàng sẽ khó phát triển và họ cần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, số hóa ngân hàng. 

Nói về sự thay đổi của hệ thống ngân hàng thương mại trong những năm qua, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng vai trò cung ứng tín dụng và dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng nước ngoài và khối ngân hàng cổ phần tăng lên mạnh mẽ. 

"Từ những năm 90 chúng ta đã chấp nhận cạnh tranh hệ thống ngân hàng tư nhân, các ngân hàng đại diện của nước ngoài...", ông Thành nói. Ông cho rằng, cấu trúc sở hữu của các ngân hàng thời gian tới sẽ thay đổi và các nhà băng sẽ không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cả ở nước ngoài. 

Đối với các ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn còn khá cao. Theo ông Võ Trí Thành, nếu để các NĐT nước ngoài giữ tỷ lệ sở hữu cao, thì vào những thời điểm khó khăn và khủng hoảng, NĐT nước ngoài có thể chạy thì nền kinh tế coi như sụp đổ. 

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện này, TS Cấn Văn Lực dẫn số liệu cho biết sở hữu Nhà nước trong khối NHTM đã giảm dần và thị phần của các ngân hàng này cũng đã giảm trong những năm qua. Năm 2005, tỷ trọng cho vay và huy động vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là hơn 60%, nhưng đến cuối năm 2018 thì chỉ còn khoảng 43%. 

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên