MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà đầu tư rất thèm muốn rót vốn vào lĩnh vực này, chỉ chờ Chính phủ quyết cơ chế

Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu và thị trường này đang rất sôi động. Theo Tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của cả nước đến năm 2030 sẽ đạt 12GWp, như vậy sẽ có gần 12 tỷ USD đổ vào đầu tư cho lĩnh vực này.

Đó là thông tin được ông Đặng Đình Thống, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam đưa ra tại Hội thảo phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức.

Việc thiếu chính sách về giá điện cho năng lượng tái tạo và điện mặt trời là nguyên nhân chính khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trở nên kém hấp dẫn.

Sôi động dự án đầu tư

Tuy nhiên, theo thông tin được ông Thống đưa ra thì hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. “Thị trường đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời đang rất sôi động và nhiều nhà đầu tư đang rất sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này” – ông Thống nói.

Dẫn chứng nhiều dự án của các nhà đầu tư hiện nay không chỉ tập trung tại Ninh Thuận và Bình Thuận, là địa phương đang thu hút nhiều dự án điện mặt trời nhất, mà còn mở rộng ra Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Thống kê của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương. Đáng chú ý có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ… đã đăng ký đầu tư vào một số tỉnh miền Trung.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng đang bắt đầu nghiên cứu, đầu tư vào thị trường năng lượng sạch nhiều hơn. Đơn cử như Tổng công ty điện lực Miền Trung có dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 150 MW tại Khánh Hoà; Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự định triển khai nghiên cứu hai dự án tại Đồng Nai và Bình Thuận, Ninh Thuận.

Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời, khi mật độ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 4,3 kWh/m2, số ngày nắng nóng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm.

Đặc biệt, từ Đà Nẵng trở vào thì tiềm năng năng lượng mặt trời tốt hơn hẳn, mật độ năng lượng bức xạ trong khoảng 4,5 – 5 kWh/m2; số ngày nắng trung bình là 2200 – 2500 giờ/năm. Do đó, việc ứng dụng điện mặt trời khu vực này sẽ có hiệu quả cao.

Theo Tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của cả nước đến năm 2030 sẽ đạt 12GWp, như vậy sẽ có gần 12 tỷ USD đổ vào đầu tư cho lĩnh vực này.

Mặc dù đây là lĩnh vực khá hấp dẫn và đang thu hút các nhà đầu tư, song hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng vẫn đang rào cản và thách thức đặt ra. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch nhóm công tác năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, cho rằng DN tư nhân sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên những rào cản chính sách, thể chế, công nghệ và tài chính đang đặt ra cho DN nhiều thách thức.

Cần Chính phủ "quyết" cơ chế giá

“Các chính sách về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời chưa chưa đầy đủ, chưa hình thành, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết. Nguồn nhân lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, ứng dụng năng lượng sạch còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực này cần nhiều vốn nhưng chi phí đầu ra chưa rõ ràng, nên làm cản trở đầu tư” – ông Sơn nói.

Ông Diệp Bảo Cảnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ - một đơn vị cũng có dự án điện mặt trời – thì cho rằng nhân lực chuyên môn cho các cấp quản lý hiện nay đang thiếu kiến thức chuyên sâu về điện mặt trời, nên rất khó trong xem xét các khâu thẩm định phê duyệt dự án, quy hoạch, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật..

Bên cạnh đó, để điện mặt trời phát triển thì phải huy động nguồn lực tài chính tổng lực của toàn xã hội. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng và ngân hàng hoàn toàn không có kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho việc thẩm định và xét duyệt tín dụng cho các dự án điện mặt trời.

Do đó, ông Cảnh cho rằng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời, ví dụ như tiêu chuẩn tấm, giàn khung đỡ… để làm cơ sở thẩm định và từ đó giúp người tiêu dùng mua sản phẩm đúng chất lượng, giá cạnh tranh lành mạnh.

Còn theo ông Thống, nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là cơ chế giá điện. Được biết, hiện các nhà đầu tư đã rất sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này và có những chuẩn bị cần thiết, nhưng nút thắt là giá điện cần được tháo gỡ, trên cơ sở giá bán điện mặt trời được xác định các chi phí, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên