MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà mạng sẽ mua SIM rác của nhau để xử phạt?

Chủ tịch VNPT kiến nghị giải pháp ngăn chặn triệt để hoạt động buôn bán SIM kích hoạt sẵn...

“Chúng ta đã xử lý, đã thu gần 24 triệu SIM rác rồi nhưng SIM rác vẫn còn rất nhiều”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu vấn đề tại hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 14/7.

Vì sao SIM rác vẫn nhiều?

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù hơn 20 triệu thuê bao đã thu hồi nhà mạng không kích hoạt lại nhưng nhưng tình trạng SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng (SIM rác, SIM ảo) vẫn còn tồn tại và bán tràn lan trên thị trường, nhiều người dùng phản ánh nhận được nhiều cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, gây phiền phức.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho rằng, VNPT vẫn đang quyết liệt trong việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn và ngăn chặn tin nhắn rác. Tuy nhiên, theo ông, thực tế SIM kích hoạt sẵn vẫn tràn lan trên thị trường. “Nếu chỉ một hoặc một số đơn vị làm tốt thôi thì vẫn chưa đủ”, ông nói.

Theo vị này, riêng trong tháng 6/2017, VNPT đã chặn 221 nghìn tin nhắn rác, trung bình mỗi ngày có 7.300 tin nhắn rác bị chặn, tổng số thuê bao bị chặn là 2.200, tương đương 74 thuê bao/ngày và tỷ lệ tin nhắn rác bị chặn đạt trên 90%.

Báo cáo của MobiFone cũng cho biết, số thuê bao bị chặn do phát tán tin nhắn rác đến hết tháng 6/2017 là gần 150 nghìn thuê bao, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2016, còn số tin nhắn spam bị chặn trong 6 tháng đầu năm 2017 là 82 triệu tin nhắn, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2016.

Bộ, sở ngành rất quyết tâm, doanh nghiệp rất quyết tâm vậy tại sao tình trạng SIM kích hoạt sẵn vẫn tràn lan? Đặt câu hỏi và ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân là do cơ chế quản lý thuê bao trả trước, vì cơ quan quản lý nhà nước làm mà không vận dụng, áp dụng cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia thì khó có thể thực hiện được.

Theo ông, Nghị định 49 quy định phải có thông tin thuê bao chính xác và trong thời hạn 1 năm phải hoàn thành cập nhật thông tin. Tuy nhiên, theo ông, trong một năm các nhà mạng vẫn tiếp tục SIM kích hoạt sẵn, thuê bao vẫn tăng trưởng, thuê bao thông tin không chính xác vẫn tăng và các mạng lại tiếp tục gia hạn thời hạn cập nhật thông tin thuê bao.

“Như vậy thì mãi sẽ không thực hiện loại bỏ hẳn SIM rác được”, Chủ tịch VNPT, nói.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đặt vấn đề: Việt Nam có khoảng 92 - 93 triệu dân, trong đó trẻ em từ 5 tuổi (thậm chí số tuổi còn nhiều hơn) trở xuống không dùng điện thoại di động, rồi vùng sâu, vùng xa nhiều người chưa dùng nhưng có tới 131 triệu SIM, như vậy, rõ ràng SIM rác vẫn còn nhiều.

Ông cũng “chỉ mặt đặt tên” Vietnamobile là nhà mạng còn tồn tại rất nhiều tin nhắn rác thời gian qua.

Giải pháp “thu gom SIM rác của nhau”

Hại hội nghị trên, các nhà mạng lớn Viettel, VNPT và MobiFone đều tỏ rõ quyết tâm và mong muốn có những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn triệt để và xóa bỏ hoàn toàn SIM rác và tin nhắn rác.

Chủ tịch VNPT nêu kiến nghị ngăn chặn triệt để hoạt động buôn bán SIM kích hoạt sẵn, rất dễ thực hiện và sẽ không còn cơ sở để SIM rác tồn tại. Đó là việc cho phép các nhà mạng được tổ chức thu mua SIM kích hoạt sẵn của nhà mạng khác nộp cho Bộ và các sở thông tin và truyền thông và căn cứ vào quy định để xử phạt. Sau đó, Bộ hoặc các sở sẽ dùng số tiền phạt này để trả cho các nhà mạng để bù lại số tiền bỏ ra mua SIM trước đó.

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, trước đây, những sai phạm về thông tin thuê bao thì trách nhiệm đồng chia sẻ giữa các đại lý và doanh nghiệp viễn thông, nhưng với Nghị định 49, trách nhiệm thuộc doanh nghiệp viễn thông trong mọi trường hợp. “Nghị định ghi rất rõ những thuê bao sai thông tin sẽ xử phạt doanh nghiệp viễn thông và người đứng đầu doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm”.

Về kiến nghị giải pháp của VNPT, Cục trưởng Trung cho rằng, trước đây một số doanh nghiệp đã nộp cho Cục và Thanh tra Bộ một số lượng SIM rác nhưng không có cách nào xử lý, còn giờ thu gom về cứ lấy số SIM ra phạt doanh nghiệp.

“Cách làm tốt nhất là bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự đi thu gom những SIM kích hoạt sẵn của mình vì nếu không doanh nghiệp khác mua thì sẽ bị phạt rất nặng. Bởi không như trước đây là phạt 70 triệu đồng khi phát hiện 500 SIM kích hoạt sẵn, còn giờ cứ tính theo đầu SIM mà phạt (theo quy định của Nghị định 49, nhà mạng sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng nếu cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng).

Tới đây Cục sẽ họp với các doanh nghiệp để thống nhất cách nào cho phù hợp nhất, ông Trung cho biết.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ, các cơ quan chức năng thuộc Bộ và các doanh nghiệp sẽ kiên quyết xử lý vấn nạn này vì theo ông không xử lý nghiêm sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Ông đề nghị Cục Viễn thông và các nhà mạng phải ngồi lại với nhau để tìm mọi giải pháp, biện pháp để ngăn chặn SIM rác và tin nhắn rác.

Biện pháp dài hơn hơn, ông Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông cần xây dựng các chính sách, văn bản nhằm quản lý thị trường viễn thông phát triển lành mạnh và thúc đẩy thuê bao di động trả sau.

“Việc xây dựng văn bản pháp luật tuy nhiên phải hướng tới mục tiêu cụ thể hóa hướng dẫn thi hành luật và dứt khoát không để để văn bản đó trở thành các loại giấy phép con, gây cản trở phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp và tổ chức”, ông nói.

Theo Thủy Diệu

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên