MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà xuất khẩu Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề vì ùn tắc hàng hoá tại biên giới Trung Quốc

28-12-2021 - 10:11 AM | Thị trường

Các phương tiện ở thị trấn Muse phía bắc bang Shan (Myanmar) tiếp cận biên giới với Trung Quốc được phun chất khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Các phương tiện ở thị trấn Muse phía bắc bang Shan (Myanmar) tiếp cận biên giới với Trung Quốc được phun chất khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Những chiếc xe tải xếp hàng dài nhiều km để chờ được thông quan hàng hóa sang bên kia biên giới. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt đường biên để chống COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến hàng xuất khẩu của nhiều quốc gia, nhất là các nhà xuất khẩu Đông Nam Á.

Quy trình hải quan ở biên giới Trung Quốc đã chậm lại từ tháng 11, và càng trở nên khắt khe hơn nữa trong thời gian gần đây. Các nhà xuất khẩu từ Myanmar, Lào và cả Việt Nam đang gặp khó khăn sau khi Trung Quốc thắt chặt kiểm tra hàng nhập khẩu tại khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, dẫn đến hàng dài xe tải chất đầy hàng hóa có nguy cơ bị hư hỏng.

Với việc Olympic mùa đông 2022 sắp đến, Trung Quốc đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ trước các đợt bùng phát cục bộ dịch COVID-19 ở một số thành phố. Nước này tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero Covid", trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh nên nhiều cửa khẩu biên giới đã dần bị đóng, dẫn đến ùn tắc bắt đầu phát sinh. 

Là thị trường chiếm phần lớn thương mại của nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc đã áp dụng các hạn chế đối với biên giới đất liền và cảng biển để ngăn chặn virus COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài vào nước này sau khi một số thị trấn nhỏ ở gần biên giới bùng phát nhiều ổ dịch trong 3 tháng qua.

Tắc ở biên giới Myanmar - Trung Quốc

Các nhà xuất khẩu Myanmar đang phải đối mặt với những thiệt hại đáng kể ở biên giới khi Trung Quốc một lần nữa áp đặt các hạn chế, chưa đầy một tháng sau khi thương mại mậu biên giữa 2 bên khởi động trở lại sau 5 tháng đóng cửa do COVID-19. Ví dụ, chỉ có xe tải của Trung Quốc mới được phép qua biên giới, gây ra sự chậm trễ kéo dài khi hàng hóa được bốc dỡ và chuyển từ phía biên giới Myanmar.

"Giao dịch trong thời gian COVID rất khó khăn. Tôi phải đi kiểm tra và phải xịt khử khuẩn [hàng hóa và xe tải], gây ra sự chậm trễ. Và với những thay đổi trong hệ thống xử lý hải quan của phía Trung Quốc thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn nữa," Sai Khin Maung, Phó chủ tịch Sở giao dịch hàng hóa rau quả ở thị trấn Muse phía bắc bang Shan (Myanmar), cho biết.

"Những người nông dân của chúng tôi đang lo lắng cực độ khi toàn bộ quá trình xuất khẩu trở thành một mớ hỗn độn. Phải mất khoảng 10 ngày [để sản phẩm của họ] sang được phía bên kia biên giới. Sự chậm trễ tại các điểm kiểm tra hải quan của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng một số hàng hóa phải mất tới 20 ngày mới đến được điểm thông quan ".

Trung Quốc chủ yếu mua các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa từ Myanmar, trong khi các thương nhân Myanmar nhập khẩu máy móc và hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Các thương nhân giao dịch qua biên giới Trung Quốc – Myanmar bắt đầu lo ngại về sự mất cân bằng trong thương mại toàn cầu lâu dài.

Trong năm tài khóa 2019-2020, thương mại với Trung Quốc chỉ riêng qua biên giới Muse đã lên tới 4,9 tỷ USD. Con số đó giảm xuống khoảng 4 tỷ đô la Mỹ vào năm sau 2020/21.

Các nhà xuất khẩu Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề vì ùn tắc hàng hoá tại biên giới Trung Quốc - Ảnh 1.

Một khu vực gần cửa khẩu Boten ở tỉnh Luang Namtha của Lào, nơi hàng trăm xe tải đang xếp hàng khi chờ nhập cảnh vào Trung Quốc, ngày 4 tháng 12 năm 2021.

Tắc ở biên giới Lào - Trung Quốc

Dòng xe tải dài 20 km cũng xuất hiện ở biên giới Trung Quốc – Lào. Các thương nhân ở Lào cũng rơi vào tình trạng tương tự như nước láng giềng Myanmar trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt việc kiểm tra hàng hóa biên giới. Một quan chức vận tải Lào tại Trạm Kiểm soát Biên giới Quốc tế Boten-Mohan cho biết có hàng trăm xe tải của Lào trên đường chuyển hàng hóa sang Trung Quốc hiện đang đứng chờ để được qua biên giới.

Chính quyền biên giới Trung Quốc cho phép hơn 300 xe tải Trung Quốc vào Lào qua lại mỗi ngày nhưng chỉ cho phép 100 xe tải Lào sang Trung Quốc. "Hiện đang có một hàng xe tải của Lào đang chờ đợi để được sang bên kia biên giới".

Các nhà chức trách ở tỉnh Luang Namtha của Lào hôm 17/12 đã ban hành một sắc lệnh cấm tất cả các xe tải lưu thông qua trạm kiểm soát biên giới Boten cho đến khi có thông báo mới vì có quá nhiều phương tiện đang chờ ở biên giới. Một ngoại lệ đã được đưa ra đối với các xe tải chở nông sản có thể tiếp tục đi đến biên giới cho đến ngày 26 tháng 12.

Một nhà kinh doanh cao su ở tỉnh Phongsaly, giáp với Luang Namtha, cho biết trạm kiểm soát biên giới Boten đã giảm xuống mức "hỗn loạn hoàn toàn". Hiện chỉ có một tuyến đường, hoặc một làn đường, được mở tại trạm kiểm soát cho các xe tải của Lào đi qua.

"Các nhà chức trách sẽ không cho phép nhiều xe tải vào Trung Quốc. Hầu hết các xe tải đều bị kẹt cứng, tắc nghẽn. Tất cả các xe tải chở nông sản hiện đang đổ xô về biên giới vì họ muốn chạy đua với thời hạn ".

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Lào đã xuất khẩu một số khoáng sản, cao su và các sản phẩm nông nghiệp khác trị giá 800 triệu đô la Mỹ sang Trung Quốc bất chấp đại dịch COVID-19.

Hàng xuất  khẩu của Việt Nam cũng bị ùn tắc

Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc chỉ còn 7/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Tính đến sáng ngày 25/12 tổng lượng xe tồn tại thành phố Móng Cái là 1.555 xe, tại Lạng Sơn là 4.200 xe, chủ yếu là các mặt hàng như: hoa quả, linh kiện điện tử, đồ mỹ nghệ và hải sản tươi sống.

Nguyên nhân ùn tắc hàng hóa chủ yếu là do Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu lớn như: Kim Thành-Lào Cai, Tân Thanh-Lạng Sơn và Móng Cái-Quảng Ninh.

Tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành-Lào Cai, phía Trung Quốc lấy lý do trên bao bì thanh long có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 để ngừng nhập khẩu mặt hàng thanh long từ ngày 17/8. Sau đó ngừng nhập toàn bộ trái cây tươi của Việt Nam từ ngày 27/11 đến nay.

Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh phía Trung Quốc cũng siết chặt dần hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa.

Chiều 26/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Tham khảo: Freshplaza, Myanmar-now, Laotiantimes

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên