Các nhân tố khiến doanh nghiệp vướng mắc, thậm chí lỡ cơ hội khi huy động vốn trên thị trường chứng khoán
Lãnh đạo SSC chỉ ra nhiều nhân tố khiến hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp bị ách tắc.
Theo thống kê đến cuối quý I/2023, nhu cầu huy động vốn qua thị trường chứng khoán từ các kế hoạch phát hành của doanh nghiệp (không bao gồm Novaland và VPBank) chỉ đạt 61.000 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với con số đã thực hiện năm 2022. Với những diễn biến thị trường hiện tại, các kế hoạch huy động vốn gặp những thách thức nào và chúng ta cần hành động gì?.
Chia sẻ tại talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” do báo Đầu tư tổ chức ngày 15/6, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chỉ ra các nhân tố khiến doanh nghiệp vướng mắc, thậm chí lỡ cơ hội khi huy động vốn.
Theo bà Bình, huy động vốn của doanh nghiệp phụ thuộc vào 2 yếu tố chính, một là môi trường khách quan, nền kinh tế, thị trường chứng khoán có hỗ trợ cho việc huy động; hai là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp có nhu cầu vốn, có khả năng hấp thụ và sử dụng vốn hay không.
Ở yếu tố thứ nhất, đầu 2022-2023 chúng ta chứng kiến sự khó khăn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trên thế giới và cả Việt Nam, đã tác động gây khó khăn cho công tác huy động vốn. Nhiều thách thức như lãi suất cao dù đã có xu hướng giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt, thể hiện qua thanh khoản sụt giảm so với năm 2021. Hiện thanh khoản có khởi sắc những tháng gần đây, nhưng trung bình vẫn khoảng 12.000-13.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy môi trường vĩ mô chưa hỗ trợ các đợt phát hành của doanh nghiệp.
Về nội tại doanh nghiệp, bà Bình cho rằng, do áp lực từ các chính sách tài chính, hệ quả từ COVID, nền kinh tế có nhiều khó khăn, sức khoẻ doanh nghiệp cũng thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn trong ngắn hạn không có nhiều ở thời điểm hiện nay.
Khơi thông ách tắc để doanh nghiệp không lỡ cơ hội
Đề cập cụ thể về số lượng đăng ký phát hành trên thị trường từ đầu năm đến nay, bà Bình cho biết các con số này đều giảm so với 2022, hiện SSC đã tiếp nhận và đang xử lý 5 hồ sơ IPO, còn với chào bán huy động vốn và các loại hình chào bán khác cũng đang xem xét. So về số lượng và giá trị, số hồ sơ giảm 45% so với cùng kỳ, riêng phát hành cổ phiếu ra công chúng chỉ bằng 40% cùng kỳ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng khó khăn sẽ qua, nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ quay trở lại. Việc chúng ta cần làm là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phải khơi thông những ách tắc, để doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng, không lỡ các cơ hội.
Theo đó, cần phải chú ý các vấn đề. Một là, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán mới được ban hành thay thế trong 2021, có nhiều quy định pháp lý mới liên quan về doanh nghiệp, chào bán và quản trị công ty. Thời gian vừa qua, các hồ sơ chào bán của doanh nghiệp do chưa nắm bắt hết quy định mới nên còn có những điểm sai sót dẫn đến kéo dài thời gian xử lý, chẳng hạn thông qua Nghị quyết ĐHCĐ, HĐQT chưa đáp ứng, hay vấn đề liên quan quy trình thủ tục trong nội bộ doanh nghiệp chưa thể hiện sự nắm bắt quy định pháp luật chặt chẽ. Doanh nghiệp cần nâng cấp, cần có sự tư vấn từ tổ chức chuyên nghiệp.
Hai là, có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký chào bán, huy động vốn chưa có phương án dài hạn về kinh doanh, sử dụng vốn, mà chỉ là đăng ký chào bán, tận dụng sức nóng thị trường tại từng thời điểm. Theo đó, phương án sử dụng vốn khi đệ trình chưa chi tiết, chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch, đâu đó vẫn tiềm ẩn rủi ro cho chính cổ đông doanh nghiệp.
“Có nhiều đợt chào bán huy động vốn lớn, lại có sử dụng vốn để mua lại cổ phiếu, hoặc góp vốn cổ phần vào tổ chức khác, thậm chí là doanh nghiệp chưa đại chúng, nên tính minh bạch của hoạt động đó cần thẩm định, chưa rõ ràng, cơ quan quản lý cũng yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ, thông tin…. Đây cũng sẽ là nhân tố làm kéo dài thời gian thẩm định, thậm chí bị lỡ cơ hội”, bà Bình cho biết.
Ba là, cần lưu tâm, có hồ sơ IPO, khách quan xuất phát doanh nghiệp chưa đại chúng, thực hiện IPO sau đó thành đại chúng, nên hồ sơ có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, như chưa có quá trình tuân thủ quy định quản trị công ty, hay các vấn đề về góp vốn, thậm chí góp vốn sau thời hạn quy định theo quy định của Luật Doanh nghiệp, góp vốn bằng tài sản khác… những vấn đề đó đều phải được xác minh làm rõ, và sẽ mất thời gian, nếu BCTC kiểm toán chưa chú trọng ngay từ thời điểm làm hồ sơ.
Ngoài ra, bà Bình chỉ ra, vẫn còn tình trạng chất lượng tư vấn của công ty chứng khoán chưa cao, thậm chí bản thân đơn vị tư vấn chưa cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật, cũng khiến hồ sơ cũng chưa đạt chuẩn.
Theo đó, để thuận lợi, đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế sau đại dịch, bà Bình cho rằng về phía doanh nghiệp phát hành và cơ quan quản lý cần cùng gỡ vướng, khai thông ách tắc.
Về phía cơ quan quản lý, hiện SSC đang tích cực sửa đổi Nghị định 155, trong đó có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục. SSC cố gắng chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh nghiệp có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất.
4 trụ cột phát triển thị trường bền vững, tăng sức chống chịu trước biến động
Đề cập tới các giải pháp mà SSC sẽ thực hiện nửa cuối năm để giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững, bà Bình cho biết, những biến động, biến số khó lường trên thị trường là kinh nghiệm lớn cho nhà đầu tư cũng như cho cơ quản quản lý trong việc điều hành thị trường sao cho thị trường có thể chống chọi được sức ép từ yếu tố khách quan, đồng thời vẫn phát triển bền vững. Hiện SSC đang xây dựng chiến lược phát triển thị trường tới 2030, sau khi lấy ý kiến bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng.
“Một trong những ý tưởng quan trọng của chiến lược này là phát triển bền vững, tức không quá chú trọng đi vào tăng trưởng về số lượng và quy mô, mà đi sâu các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các biến động”, bà Bình chia sẻ.
Về cơ bản vẫn dựa trên 4 trụ cột chính, một trong đó là quản trị công ty. Để thị trường chứng khoán tốt thì cần doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng tốt.
Trong từng thị trường, SSC cũng cố gắng tạo sản phẩm tốt hơn, một trong những lý do khiến biến động mạnh trên thị trường này cũng do số lượng sản phẩm phái sinh còn quá ít, có một sản phẩm, nhà đầu tư quan tâm quá mức cho một sản phẩm đó, nên việc giao dịch sản phẩm này hơi thái quá…
“Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới đây, SSC sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp tục là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới”, lãnh đạo SSC cho biết.
Theo bà Bình, để hỗ trợ cho tất cả việc này, thị trường sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống KRX hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới và hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát thị trường dựa trên ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.
Ngoài ra, tháng 7 tới đây sẽ vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được nút thắt trên thị trường này. Khi thị trường này vận hành, các công ty chứng khoán thành viên có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tốt các nhà đầu tư khi tham gia đúng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, tăng minh bạch cho thị trường, tăng tiếp cận từ phía doanh nghiệp phát hành tới nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu,… nâng cao khả năng thanh toán, giảm thiểu rủi ro liên quan.
Bên cạnh đó, SSC đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc công ty chứng khoán, tiếp tục hoạt động chuyển đổi sản phẩm trên thị trường theo định hướng HOSE là giao dịch cổ phiếu, HNX là các sản phẩm phái sinh, trái phiếu.
Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ