Các NHTW trên toàn cầu đang làm gì để bảo vệ nền kinh tế trước khủng hoảng kéo dài?
Các ngân hàng trung ương toàn cầu nhận thấy rằng các chính sách tiền tệ mà họ từng coi là tạm thời và không theo quy ước đang dần trở thành những chính sách thông thường và được sử dụng lâu dài.
- 14-09-2020Các nước đang dùng chính sách tiền tệ và tài khoá như thế nào để vượt khó khăn do Covid-19?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và mới đây là đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và hầu hết các đối tác quốc tế của họ trở nên tích cực và đổi mới hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi sự suy thoái và nguy cơ giảm phát.
Những tháng gần đây đã chứng kiến sự trở lại của không chỉ các chính sách lần đầu tiên được sử dụng trên quy mô rộng lớn sau sự sụp đổ của Lehman Brothers Holdings Inc. (chẳng hạn như nới lỏng định lượng) mà còn là những chính sách đặc biệt hơn.
Biểu đồ của Bloomberg dưới đây cho thấy, hầu hết các ngân hàng trung ương đang đi sâu hơn vào "những điều chưa biết". Chẳng hạn, Fed đang mua các loại trái phiếu khác nhau, ECB duy trì lãi suất âm còn các ngân hàng trung ương của Úc, Ấn Độ đang lặp lại việc kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản với các chính sách tác động đến lợi suất trái phiếu tại các kỳ hạn cụ thể, ...
Khi chưa có điều gì chắc chắn về sự phục hồi của nền kinh tế trên toàn cầu sau đại dịch và những "vết sẹo" mà Covid-19 để lại cho cả người sử dụng lao động và người lao động, chính sách tiền tệ có thể sẽ được áp dụng "cực kỳ lỏng lẻo" trong nhiều năm tới.
Triển vọng này ngày càng rõ rệt hơn sau quyết định mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khi cho phép lạm phát vượt quá mục tiêu 2% trong tương lai nếu cần thiết. Giờ đây, giới đầu tư đang chờ đợi động thái của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, cụ thể là cuộc họp chính sách ngày 15 - 16/9 sắp tới của Fed và sau đó là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh.
Steve Barrow, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Standard Bank, cho biết: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 có sức tàn phá lớn hơn rất nhiều lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Có đủ mọi lý do để tin rằng việc chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt để phục hồi sẽ mất nhiều thời gian và có lẽ lâu hơn nhiều so với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008."
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang làm việc nghiêm túc hơn bao giờ hết với các đối tác tài chính của họ. Cuộc tranh luận ngày càng gay gắt là liệu việc thúc đẩy các nền kinh tế cuối cùng có thúc đẩy các ngân hàng trung ương cùng với các chính phủ có thêm nhiều động thái hơn nữa hay không.
Các nhà kinh tế tại Bank of America Global Research tính toán rằng tính đến cuối tháng 7, các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất 164 lần trong 147 ngày và tung ra các gói kích thích trị giá 8,5 nghìn tỷ USD. Thước đo tỷ giá trung bình toàn cầu của JPMorgan chỉ ở mức 1% và tỷ lệ này của các quốc gia phát triển lần đầu tiên ở dưới mức 0.
Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phản ứng với đại dịch bằng các chính sách tương tự như năm 2008 nhưng nhanh hơn nhiều - và sau đó còn đi xa hơn. Fed đã hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và tiếp tục mua trái phiếu chính phủ, cũng như mở rộng quyền cho vay khẩn cấp để viện trợ cho các thành phố, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tập đoàn lớn. Bảng cân đối kế toán của Fed hiện ở mức 7 nghìn tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với 4 nghìn tỷ USD hồi tháng 1 năm nay và mức cao nhất trước đó là 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Fed đã trì hoãn việc cắt giảm lãi suất xuống dưới mức 0, điều mà ECB và BOJ đã làm nhiều năm trước đó, vì lo ngại làm xáo trộn hệ thống ngân hàng cũng như vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lập pháp. Trái với Fed, trong tháng 3 vừa qua, ECB tiếp tục ban hành chính sách lãi suất siêu thấp - thậm chí còn rẻ hơn mức chuẩn của nó - cho các ngân hàng sử dụng tiền mặt để cho vay ra nền kinh tế.
Đối với những tài sản mà các ngân hàng trung ương sẵn sàng mua, đã có một sự thay đổi lớn bên ngoài nước Mỹ. Úc, New Zealand và Canada đã mua trái phiếu chính phủ lần đầu tiên trong năm nay và sau đó cũng mua nợ doanh nghiệp. Hàn Quốc và Thụy Điển bắt đầu mua trái phiếu công ty và thương phiếu. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đang cam kết giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong một thời gian nhất định để thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Tham khảo: Bloomberg