MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước cấm xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp đề xuất gì với Thủ tướng?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới; đề xuất Bộ Công Thương đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới khi nhu cầu và giá gạo xuất khẩu đang tăng mạnh.

Đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra trong bối cảnh một số nước như Ấn Độ, Nga, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tạm dừng xuất khẩu gạo và hiện tượng El Nino ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, nhu cầu lương thực trên thế giới.

Tận dụng cơ hội, chiếm lĩnh thị trường mới

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm nay.

Bộ chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các nước cấm xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp đề xuất gì với Thủ tướng? - Ảnh 1.

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa gạo năm nay có thể đạt kỷ lục trên 43 triệu tấn, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu và dự trữ trong nước.

Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Bộ này cũng được đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu , tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

UBND các tỉnh, thành phố được đề xuất chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam.

Ấn Độ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu, dừng bán cám gạo trong 3 tháng

Liên quan đến việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (non-Basmati), có hiệu lực kể từ ngày ký (20/7/2023), Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ vừa tiếp tục ban hành thông báo số 21/2023 về việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly (DORB). Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30/11/2023.

Đây là lệnh cấm tiếp theo được đưa ra sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-Basmati. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá sữa và các sản phẩm sữa ở Ấn Độ đã tăng đáng kể do giá thức ăn gia súc tăng vọt, trong đó thành phần chính là cám gạo trích ly (DORB) hoặc chiết xuất cám gạo, một thành phần chính trong thức ăn gia súc, gia cầm và cá.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu 288 nghìn tấn cám gạo trích ly (mã HS 23069090), giảm 21,54% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng cám xuất khẩu sang Việt Nam đạt 155,9 nghìn tấn, chiếm 54,13% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo có hiệu lực ngay lập tức, sẽ có tác động tới các hợp đồng xuất khẩu cám gạo nhưng chưa tiến hành giao hàng. Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu lượng cám gạo lớn từ Ấn Độ nên sẽ rủi ro các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần nhanh chóng làm việc với đối tác xuất khẩu tại Ấn Độ để xem tình trạng hàng và giải quyết vấn đề trên cơ sở hợp đồng.

Theo Dương Hưng - Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên