MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội xuất khẩu gạo và những cảnh báo cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong tháng 6/2023 đã lên tới 650 USD/tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu các loại gạo mở ra cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo cả về lượng và giá cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam những tháng cuối năm.

Nhiều dự báo khả năng Việt Nam có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo các loại trong năm nay. Mặc dù vậy việc cẩn trọng khi ký kết hợp đồng và khả năng thu mua, giao hàng trong bối cảnh nguồn cung và giá cả tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,2 triệu tấn gạo, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng qua đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất 10 năm qua. Tính riêng tháng 6 vừa qua, giá gạo xuất khẩu bình quân lên đã tới 650 USD/tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội xuất khẩu gạo và những cảnh báo cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Cơ hội xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.

Những thông tin về việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo đang được doanh nghiệp theo dõi sát sao. Bởi Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua thì giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.

Với diễn biến nguồn cung và giá cả tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, các chuyên gia cảnh báo những rủi ro có thể xảy đến.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo: “Các thương nhân của chúng ta cũng cần phải lưu ý để có những cách tính toán và những công cụ để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, trong đó có thể có những rủi ro về giá, có thể có trong khâu thực hiện hợp đồng… Vì khi chúng ta thực hiện hợp đồng với số lượng lớn và trong một thời gian ngắn thì có thể có những vấn đề trục trặc - ví dụ như là thời gian giao hàng chẳng hạn. Các doanh nghiệp luôn luôn phải tỉnh táo để thực hiện, một mặt vừa đẩy mạnh xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu những rủi ro”.

Theo Nguyễn Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên