MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước kỳ vọng gì ở chuyến thăm châu Á của ông Trump?

04-10-2017 - 21:21 PM | Tài chính quốc tế

Khoảng thời gian mà ông Trump dành cho mỗi điểm dừng sẽ được giới quan sát xem như tín hiệu về chính sách đối ngoại của Mỹ...

Trung Quốc và các nước châu Á khác có những kỳ vọng khác nhau về chuyến thăm vào tháng tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khu vực này, nhưng tất cả đều muốn chuyến thăm đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về chiến lược của Washington đối với khu vực - tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) nhận định.

Theo tờ báo này, các quốc gia đồng minh lâu năm của Mỹ gồm Nhật Bản và Philippines kỳ vọng ông Trump sẽ khẳng định sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương sau một thời kỳ khó đoán định về chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Trung Quốc không vui, dù Bắc Kinh đang mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn với Washington để kiềm chế những tham vọng về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Theo dự kiến, ông Trump sẽ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong thời gian từ 3-14/11. Tại Việt Nam, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Lịch trình cụ thể của chuyến công du chưa được công bố, nhưng khoảng thời gian mà ông Trump dành cho mỗi điểm dừng sẽ được giới quan sát xem như tín hiệu về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chuyên gia Liu Weidong thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ làm rõ lập trường về vị trí của Trung Quốc trong chiến lược khu vực của Mỹ. Ông Liu nói thêm rằng Trung Quốc cũng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của ông Trump đối với khẩu hiệu ngoại giao của nước này là “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

“Khi Mỹ làm rõ lập trường của họ về Trung Quốc, hai nước sẽ có ý tưởng tốt hơn về hướng đi cho mối quan hệ song phương”, vị chuyên gia phát biểu.

Chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh sự khó đoán định về chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi ông lên cầm quyền vào tháng 1 năm nay. Tuyên ngôn “Nước Mỹ trên hết” của ông đã dẫn tới những lo ngại về việc Mỹ có tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực. Đây là vấn đề đặc biệt lo ngại đối với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nước vốn xem Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc.

“Tokyo muốn cho cả khu vực thấy rằng liên minh Mỹ-Nhật là mạnh mẽ và có một mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Trump, vừa để răn đe Triều Tiên, vừa để gửi một thông điệp đến Bắc Kinh”, chuyên gia Jeffrey Kingston, phụ trách nghiên cứu châu Á thuộc trường đại học Temple University, Nhật Bản, đánh giá.

Đối với Philippines, chuyến thăm của ông Trump sẽ đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa Washington và Manila kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đồng minh xấu đi vì chiến dịch chống ma túy đẫm máu do ông Duterte khởi xướng, cũng như do Philippines xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Giáo sư Richard Heydarian thuộc Đại học De La Salle cho rằng chuyến thăm này là “cơ hội có một không hai” cho liên lạc chiến lược giữa Manila và Wahsington giữa lúc Philippines chật vật giải phóng thành phố Marawi khỏi phiến quân Hồi giáo và tiếp tục mâu thuẫn với Trung Quốc về biển Đông.

“Đây là một cơ hội quan trọng để ông Trump nhấn mạnh và tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Đông Á, nhất là vào lúc sự hoài nghi ngày càng tăng về cam kết của Washington đối với khu vực này”, ông Heydarian phát biểu. “Ông Trump có nhiều vấn đề ngoại giao cá nhân phải giải quyết trong chuyến thăm này, xét tới việc quyền lực mềm của Mỹ đã giảm nhiều kể từ khi ông ấy vươn lên vị trí lãnh đạo nước Mỹ”.

Nhà Trắng cho biết vấn đề thương mại sẽ là một ưu tiên trong chuyến thăm châu Á của ông Trump, bên cạnh vận động sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trong khu vực nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Ông Lee Jung-nam, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Hàn Quốc, cho rằng nếu Mỹ và Hàn Quốc đạt được một thỏa thuận về giải quyết vấn đề Triều Tiên, thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thắt chặt.

Không giống như những người tiền nhiệm, đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chưa hề nhấn mạnh liên minh với Mỹ, trong khi lại kêu gọi đối thoại với Triều Tiên. Trong khi đó, quan hệ Trung-Hàn đã xấu đi nhiều kể từ Seoul triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ nhằm tự vệ trước nguy cơ từ Triều Tiên.

“Cho dù ông Trump nhấn mạnh ‘Nước Mỹ trên hết’, thì Mỹ cũng chưa bao giờ rời bỏ châu Á”, ông Lee nói. “Mỹ đã và đang đối trọng với Trung Quốc thông qua liên minh ở châu Á, điều đó chưa bao giờ thay đổi”.

Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh không lo ngại về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện ở châu Á. “Xét đến bầu không khí căng thẳng do sự gây hấn của Triều Tiên, chuyến thăm của ông Trump và bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào nếu có sẽ giúp Bắc Kinh cảm thấy yên tâm thay vì xem như một mối đe dọa, bởi liên minh của Mỹ ở châu Á nhằm chống lại Triều Tiên hơn là Trung Quốc”, ông Liu nói.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên