Các "ông lớn" bán lẻ, phân phối công nghệ tiếp tục tìm lối đi mới
Digiworld chọn động lực phát triển ở mảng thiết bị văn phòng, FPT Shop liên tục thử nghiệm các mô hình bán hàng online mới, Thế Giới Di Động dồn toàn lực cho bách hoá.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) hôm 24/4, công ty này đề xuất phát hành trái phiếu tổng trị giá 150 tỷ đồng nhằm có vốn chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mới. Trong các kế hoạch mới, Digiworld để ngỏ khả năng phân phối TV Xiaomi tại Việt Nam.
“Quy mô thị trường TV đạt 40 tỷ USD, bằng nửa thị trường di động. Do đó thị trường này rất màu mỡ”, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm CEO Digiworld nói.
Bên cạnh việc có thể tung ra mảng TV thì Digiworld - một trong ba công ty phân phối hàng công nghệ lớn tại Việt Nam - vẫn kiên trì bám mảnh đất mới là hàng tiêu dùng.
TV Xiaomi bán tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: Hải Đăng
Mảng phân phối hàng tiêu dùng của Digiworld năm 2018 đạt 75 tỷ đồng, mặc dù tăng trưởng 50% so với năm ngoái nhưng chỉ đạt được 38% kế hoạch đề ra, cho thấy khó khăn nhất định của Digiworld khi muốn vươn sang lĩnh vực kinh doanh mới mẻ.
Ông Việt giải thích nguyên nhân không đạt kế hoạch đề ra ở mảng tiêu dùng do công ty con CL phụ trách ngành này hoạt động không hiệu quả, Digiworld đang cơ cấu lại.
Ngành hàng tiêu dùng của Digiworld hiện có sản phẩm sữa y tế của Nestle; kem đánh răng, nước giặt, bàn chải,...; các loại thực phẩm chức năng.
Được biết đến như một trong 3 nhà phân phối hàng công nghệ lớn tại Việt Nam, Digiworld vài năm gần đây mở rộng sang thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng trong bối cảnh mảng công nghệ không còn “dễ ăn” như trước.
Thay vì bán hàng qua nhà phân phối như trước, vài hãng điện thoại lớn như Oppo, Samsung, Apple chọn cách bán hàng trực tiếp tới nhà bán lẻ, khiến vai trò các nhà phân phối như Digiworld giảm hẳn, ảnh hưởng doanh thu.
Mở rộng kinh doanh sang ngành hàng mới vài năm gần đây nhưng đóng góp của chúng vào doanh thu Digiworld vẫn chưa đáng kể. Trong gần 6.000 tỷ doanh thu năm 2018 của công ty này, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động vẫn chiếm đến 4.755 tỷ đồng, tức gần 80% doanh thu.
Tuy vậy, khó khăn do các hãng không làm việc với nhà phân phối, cộng với dự báo ngành hàng điện thoại di động sẽ tăng trưởng ngang khiến Digiworld phải mở rộng sang phân phối các mảng khác, như thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng.
Đối mặt với những khó khăn tương tự khi thị trường di động bão hoà, các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động hay FPT Shop đang ráo riết tìm cách mở rộng thị trường.
Chuỗi FPT Shop mới đây nhất công bố hợp tác với Fado, cho phép khách hàng ở Việt Nam đặt mua hàng từ trang web Amazon của Mỹ, Nhật, Đức. Như vậy, khách khi truy cập website của FPT Shop giờ không chỉ mua hàng công nghệ mà còn mua được hầu như mọi thứ khác trong cuộc sống thường ngày, do sự đa dạng mặt hàng trên Amazon.
Một góc siêu thị điện máy Nguyễn Kim - Ảnh: Hải Đăng
Trước đó, chuỗi bán lẻ có thị phần số 2 tại Việt Nam cũng hợp tác thử nghiệm với Nguyễn Kim để bán hàng điện máy qua kênh online. Trả lời ICTnews về hợp tác kinh doanh điện máy, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử và Dịch vụ kỹ thuật FPT Retail (công ty mẹ của FPT Shop) cho biết "tận dụng sức mạnh sẵn có, đa dạng hoá sản phẩm, đưa thêm ưu đãi phục vụ cho tập khách hàng đến với mảng kinh doanh chính của FPT Shop".
Liên tục hai sự hợp tác mới được FPT Shop tung ra ngay trong quý 4, không nằm trong kế hoạch kinh doanh của năm, cho thấy chuỗi này đang tăng tốc trong việc tìm lối đi mới giữa bối cảnh ngành di động được GfK dự báo tăng trưởng 1% trong năm 2019.
Cũng như ông Bảo nói "tận dụng sức mạnh sẵn có", ông Đoàn Hồng Việt khi trả lời ICTnews cho biết Digiworld dùng năng lực cốt lõi của công ty để mở rộng phân phối sang ngành hàng khác.
"Mở mảng phân phối mới sẽ có sự khác biệt so với ngành cũ là phải thuê người am hiểu thị trường đó, còn việc quản lý kênh, quản lý tồn kho, quản lý nhân viên, hạ tầng,... đều giống nhau", ông Việt nói.
Sau khi thành công với mảng di động, điện máy, Thế Giới Di Động đang đẩy mạnh mảng kinh doanh mới là bách hoá. Tuy vậy, sau gần 4 năm vận hành, chuỗi Bách hoá Xanh vẫn chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu toàn hệ thống, cho thấy việc mở ngành hàng mới không hề dễ dàng mặc dù đã có kinh nghiệm bán lẻ và mở chuỗi.
Bên trong một cửa hàng Bách hóa Xanh - Ảnh: Hải Đăng Bên trong một cửa hàng Bách hóa Xanh - Ảnh: Hải Đăng |
GfK dự báo năm 2019 ngành hàng di động Việt Nam gần như đi ngang, trong đó điểm sáng tăng trưởng sẽ ở điện gia dụng, do đó Thế Giới Di Động chú trọng phát triển hệ thống điện máy. FPT Shop cũng lường trước việc này nên hợp tác với Nguyễn Kim, Digiworld cũng để ngỏ khả năng phân phối TV Xiaomi. |
Không chỉ vậy, Digiworld còn kỳ vọng mảng thiết bị văn phòng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019 do nhu cầu chuyển đổi số ở các doanh nghiệp. Hiện nhà phân phối này có các sản phẩm máy chủ, máy trạm, giải pháp năng lượng, giải pháp mạng, phần mềm, điện toán đám mây.
Mặc dù di động và máy tính xách tay, máy tính bảng đang chiếm doanh thu chủ yếu, Digiworld vẫn xác định hàng tiêu dùng, thiết bị văn phòng mới là động lực tăng trưởng tương lai của công ty. Điều này hoàn toàn giống với Thế Giới Di Động xác định Bách hoá Xanh sẽ là động lực chủ chốt trong vài năm tới, trong khi tăng trưởng chủ yếu hiện tại sẽ là ngành điện máy.
Với xu hướng mở rộng ngành nghề, khó có thể hình dung trong vài năm tới các nhà kinh doanh mảng công nghệ sẽ thay đổi thế nào so với hiện tại. Có điều chắc chắn rằng, nếu còn tồn tại, họ phải thay đổi nhiều thứ, do đó các công ty này sẽ không còn được gán mác "công nghệ" như lĩnh vực chủ chốt hay duy nhất nữa.
ICTnews