Các "ông lớn" đua nhau săn dự án
Thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua diễn ra cơn sóng ngầm về mua bán - sáp nhập (M&A) dự án bất động sản. Hầu hết các thương vụ đều rơi vào tay những doanh nghiệp có lợi thế về tài chính và năng lực triển khai.
- 08-08-2017Ai có khả năng sẽ thâu tóm khu "đất vàng" 94 Lò Đúc (Hà Nội), xây tổ hợp BĐS cao cấp 35 tầng?
- 27-06-2017P.H Group thâu tóm khu đất rộng hơn 4.000m2, xây khách sạn 40 tầng tại Nha Trang
- 14-06-2017BĐS Điện lực miền Trung chính thức gia nhập sàn HOSE, ông Nguyễn Kháng Chiến tiếp tục thâu tóm quỹ đất Đà Nẵng
- 06-06-2017Doanh nghiệp ngoại đua nhau thâu tóm dự án BĐS Việt
Khối ngoại bức phá
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, sự khởi sắc của thị trường bất động sản thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án tốt. Việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án "chết" được xem là chiến lược mới trong xu hướng đi tắt đón đầu của các doanh nghiệp.
Trước đó, giới đầu tư đã có thông tin, hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể rót tới 2 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới và đích ngắm là các dự án tại TP.HCM, Hà Nội... Bên cạnh Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư địa ốc lớn từ các nước trên thế giới cũng đang "đổ bộ" vào các thành phố lớn có tiềm năng phát triển trong cả nước để săn tìm quỹ đất mở rộng hoạt động.
Trong đó, cái tên nổi bật có thể kể đến như CapitalLand (Singapore) với hàng loạt thương vụ như mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền, một trong những khu dân cư được ưa chuộng nhất tại TP.HCM, để phát triển hơn 300 căn hộ. Động thái này thể hiện chiến lược mở rộng tiềm năng phát triển mảng nhà ở tại Việt Nam của chủ đầu tư này.
Trong quý I/2017, một nhà phát triển khác của Singapore là Keppel Land đã chi 846 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD) để sở hữu thêm 16% trong dự án Saigon Centre tại quận 1, TP.HCM.
Vào tháng 3/2017, Hongkong Land (Hồng Kông, Trung Quốc) đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tập đoàn này cũng đang bắt tay với Sơn Kim Land để phát triển nhiều dự án căn hộ cao cấp tại khu Đông, và sắp tới là chuyển sang phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.
Một tập đoàn khác đến từ Hồng Kông là Sunwah cũng đang âm thầm triển khai dự án cao cấp tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Cùng với các dự án liền kề như Saigon Pearl, Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River, dự án này sẽ tạo thành một chuỗi căn hộ cao cấp chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Sunwah cho biết đang tiến hành các quá trình thương thảo để mua lại khu đất vàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 do BIDV đang sở hữu để đầu tư xây dựng tòa tháp Sunwah thứ 2 tại TP.HCM.
Hay như tại Hội An, sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng dự án resort kết hợp casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD của VinaCapital cũng đã được khởi công vào năm 2016 sau khi chọn được đối tác ưng ý là Tập đoàn Chow Tai Fook đến từ Hồng Kông.
Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc là Tập đoàn China Fortune Land Developmet đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại Dự án Đại Phước Lotus (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) của VinaCapital với giá trị 65 triệu USD.
Cuối tháng 6/2017, Tập đoàn Hankyu Hanshin Holdings, Inc cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hankyu Hanshin là tên tuổi lão làng trong giới đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, du lịch, bất động sản, truyền thông giải trí, khách sạn, giao thông - vận tải… của xứ sở mặt trời mọc.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản về 197 dự án đầu tư theo hình đối tác công - tư (PPP) và 120 dự án trọng điểm cấp quốc gia tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư.
Ông Châu cho biết, Tập đoàn Hankyu đã chọn TP.HCM làm địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, họ phải lựa chọn được đối tác tin cậy, có năng lực và hai bên cùng có lợi. Ngoài ra, địa điểm đầu tư sẽ là yếu tố quyết định.
Mới đây nhất, Tập đoàn Anpha Holdings vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm 99,98% cổ phần Công ty Cổ phần Địa ốc Nova Galaxy từ Tập đoàn Novaland. Thương vụ hoàn tất vào tuần vừa qua, tuy nhiên, giá trị của thương vụ mua lại này không được công bố. Công ty Cổ phần Địa ốc Nova Galaxy (có vốn điều lệ 500 tỷ đồng), là chủ đầu tư của dự án Galaxy 9 tại đường Nguyễn Khoái, quận 4. Công trình được xây dựng trên diện tích đất 6.227 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 51.590 m2 với khoảng 500 căn hộ.
Khối nội vươn lên làm chủ thị trường
Trên thị trường M&A trong thời gian qua, khối doanh nghiệp địa ốc trong nước cũng không chịu "ngồi yên" mà đã bắt đầu làm chủ bằng nhiều thương vụ khá lớn. Một tên tuổi khác đáng chú ý về lĩnh vực M&A trong năm qua là Công ty CP Địa ốc Đất Xanh. Trong thời gian qua, DXG được thị trường chú ý tới vì thực hiện khá nhiều thương vụ thâu tóm dự án và quỹ đất lớn tại một số quận trung tâm thành phố. Theo đó, với 12 dự án đã M&A trong năm qua, DXG nâng tổng số dự án đang triển khai lên 30 dự án.
Trước năm 2013, Tập đoàn Novaland chỉ có vỏn vẹn vài dự án, song đến thời điểm hiện nay, Novaland đã nắm trong tay hơn 40 dự án bất động sản có quy mô lớn. Tất cả chiến lược này đều được thực hiện thông qua con đường "săn" những dự án dang dở hoặc không còn điều kiện tài chính triển khai.
Cùng với Novaland, một “ông lớn” gây nhiều sự chú ý trong các thương vụ M&A dự án bất động sản là Tập đoàn Hưng Thịnh. Mới đây nhất, Hưng Thịnh đã mua lại cổ phần Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Thành Phát, là công ty sở hữu Dự án chung cư cao tầng Chương Dương Golden Land tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức). Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã công bố hoàn tất mua lại một dự án bất động sản trên đường Kinh Dương Vương thuộc quận Bình Tân từ tay Công ty Phát triển Nhà Bình Chánh (BCCI).
Trong tháng 3/2017, tập đoàn này cũng đã thâu tóm quỹ đất rộng hơn 6ha tại Bãi Dài - Cam Ranh (Nha Trang) từ công ty CP Phát Đạt. Hiện, doanh nghiệp này đang thương lượng mua lại một số khu đất tại Long Hải (Vũng Tàu) để mở rộng địa bàn hoạt động. Đến thời điểm hiện nay, Hưng Thịnh đã nắm trong tay hơn 30 dự án, hầu hết các dự án đều thông qua hoạt động M&A.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, trong bối cảnh thủ tục đầu tư dự án kéo dài, phức tạp, thì M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển các dự án. Thông qua M&A, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.
Một gương mặt "mới nổi" khác là vào giữa tháng 3/2017, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) cùng với Quỹ đầu tư Creed Group đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7) từ Vạn Phát Hưng (VPH). Sau khi thâu tóm, An Gia đã lập tức thực hiện chiến lược "thay tên đổi họ" toàn bộ để tung ra thị trường các dự án hoàn toàn mới lạ.
Mới đây nhất, Công tyCP Bất động sản An Dương Thảo Điền vừa thông báo đã sở hữu trên 45% vốn điều lệ tại Công ty CP Cơ khí Ngân Hàng. Với việc sở hữu trên 45% Công ty CP Cơ khí Ngân Hàng, rất có thể HAR sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty do đối tác này đang sở hữu hai khu đất có địa thế đẹp ở quận Phú nhuận và Quận 5 (TP.HCM).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên mới đây, chuyên gia về thị trường BĐS Nguyễn Vĩnh Trân cho biết doanh nghiệp trong nước luôn luôn có được những lợi thế mà khối ngoại không bao giờ có được. Ngoài việc am hiểu thị trường, thì việc hỗ trợ nhanh từ phía các ngân hàng thương mại sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp này thực hiện nhanh nhiều thương vụ.
"Thời gian trước nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với mong muốn thực hiện nhiều thương vụ M&A, nhưng một mình họ không thể làm nổi bởi vì quan điểm đầu tiên làm BĐS của các quỹ này là phải mua được những khu đất sạch 100%, không còn vướng thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi quá dài, nhiều quỹ đã rút lui và hiện còn lại một vài quỹ đầu tư nhưng họ đều bắt tay với các công ty trong nước để làm dự án", ông Trân nói thêm.