MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quỹ ETF trên thế giới bùng nổ huy động vốn, ETF Việt Nam “làm mới” mình

Tính đến tháng 4/2017, quy mô tổng tài sản các quỹ ETF toàn cầu đã vượt 4 nghìn tỷ USD, với gần 7000 sản phẩm ETF, cung cấp bới 313 công ty quản lý quỹ (Thống kê của ETFGI).

Sự bùng nổ của các quỹ ETF trên thế giới

Tháng 8/2017, con số thống kê của công ty tư vấn ETFGI có trụ sở tại London cho biết, nhu cầu mua chứng chỉ của các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) tăng mạnh trong năm nay. Trong thời gian từ tháng 1-7/2017, các nhà đầu tư đã bơm 391 tỷ USD vào các ETF, vượt con số kỷ lục 390 tỷ USD của cả năm ngoái. Như vậy, các quỹ đầu tư theo chỉ số đã thu hút gần 2.800 tỷ USD kể từ đầu năm 2008 đến nay.

Giới đầu tư đánh giá, kể từ khi ra đời vào năm 1993, tổng tài sản đầu tư vào các quỹ ETF đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Theo báo cáo của Deutsche bank, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của toàn ngành trong giai đoạn 2003-2016 đạt 24,4%.

Tính đến tháng 4/2017, quy mô tổng tài sản các quỹ ETF toàn cầu đã vượt 4 nghìn tỷ USD, với gần 7000 sản phẩm ETF, cung cấp bới 313 công ty quản lý quỹ (Thống kê của ETFGI).

Tại Mỹ, tổng tài sản các qũy ETF cũng lên tới gần 2,8 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2017, thậm chí lớn hơn cả tổng tài sản của các quỹ mở (16,9 nghìn tỷ USD).

Ưu điểm của quỹ ETF vẫn được các nhà đầu tư nhắc đến lâu nay. Đó là công cụ đơn giản để đầu tư vào một rổ cổ phiếu mang tính đại diện cao cho thị trường/ngành mà chỉ cần một lượng vốn nhỏ. Đặc biệt, với nhà đầu tư nước ngoài, quỹ ETF là cách đơn giản nhất để đầu tư vào một quốc gia khác mà không cần phải nghiên cứu lựa chọn cổ phiếu cụ thể. Việc gián tiếp đầu tư vào một rổ cổ phiếu cũng giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro.

Một ưu điểm là quỹ ETF có chi phí hoạt động thấp. Do chiến lược đầu tư của quỹ là thụ động, mô phỏng chỉ số thị trường, nên mức phí quản lý trả cho các công ty quản lý quỹ thấp hơn nhiều so với các quỹ mở với chiến lược đầu tư chủ động. Đồng thời, do chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết trên SGDCK nên nhà đầu tư có thể giao dịch một cách dễ dàng và thuận tiện.

Trên thị trường quốc tế, chứng chỉ quỹ cũng thường có thanh khoản cao bởi lẽ trong giai đoạn đầu khi quỹ ETF mới thành lập, thường có tổ chức tạo lập thị trường cung cấp thanh khoản cho chứng chỉ quỹ ETF, cho đến khi thị trường đã tự tạo được thanh khoản cho quỹ.

Quỹ ETFs Việt Nam cũng tự thay đổi

Ở Việt Nam hiện mới có hai quỹ ETF: (1) Quỹ ETF VFM VN30 mô phỏng chỉ số VN30 và (2) Quỹ ETF SSIAM VNX50 (tiền thân là quỹ ETF SSIAM HNX30) mô phỏng chỉ số VNX50. Loại hình quỹ ETF tuy đã ra đời ở Việt Nam được khoảng 4 năm, nhưng sự tham gia của NĐT cá nhân vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân lớn nhất là bởi nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn có xu hướng tự giao dịch chứng khoán thay vì ủy thác vốn cho các tổ chức chuyên nghiệp thông qua các quỹ đầu tư. Điều đó thể hiện ở thực tế 70-80% giao dịch trên TTCK Việt Nam đến từ các nhà đầu tư cá nhân.

Mặc dù sự quan tâm của nhà đầu tư chưa lớn, nhưng các nhà tạo lập vẫn đang tiếp tục cải tiến sản phẩm để chuẩn bị cho tương lai. Mới đây, quỹ ETF SSIAM HNX30 đã đổi tên thành SSIAM VNX50, đổi chỉ số tham chiếu và chuyển sàn niêm yết. Đáng chú ý, SSI sẽ là một trong những đơn vị tạo lập thị trường cho quỹ thông qua việc đặt lệnh khi không có lệnh chào mua/ lệnh chào bán cũng như đảm bảo chênh lệch giữa các giá chào mua cao nhất và giá chào bán thấp nhất trên thị trường không vượt quá 5%, qua đó tạo thanh khoản cho quỹ.

Từ khi thành lập vào năm 2014, quỹ ETF SSIAM HNX30 mô phỏng chỉ số HNX30 bao gồm 30 cổ phiếu hàng đầu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ số HNX30 thời gian gần đây trở nên kém hấp dẫn hơn khi một số cổ phiếu lớn trong chỉ số HNX30 đã và sắp chuyển sàn niêm yết sang Sở Giao Dịch chứng khoán TpHCM (HSX).

VNX50 là chỉ số có thể đầu tư (investable index) duy nhất đại diện cho toàn bộ TTCK Việt Nam, với 50 cổ phiếu thành phần là những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất trên cả hai sàn HOSE và HNX. Chỉ số VNX50 chiếm đến 70% giá trị vốn hóa của toàn thị trường.

Đặc biệt, theo kết quả mô phỏng lại chỉ số này trong 1-2 năm trước, tỷ suất lợi nhuận của VNX50 vượt trội so với thị trường chung.

Việc đổi chỉ số tham chiếu của SSIAM ETF bước đầu được ghi nhận và kỳ vọng có thể tạo ra sức hấp dẫn hơn cho chứng chỉ quỹ này song để các quỹ ETF Việt có thể tạo nên sự bùng nổ theo xu hướng thế giới, thời gian có lẽ cần rất dài.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên