MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các sân bay vắng tanh, ngành bán lẻ miễn thuế “chật vật” tìm hướng đi mới

07-03-2021 - 23:52 PM | Tài chính quốc tế

Các sân bay vắng tanh, ngành bán lẻ miễn thuế “chật vật” tìm hướng đi mới

Đại dịch đang đẩy ngành công nghiệp này vượt ra khỏi những mặt hàng truyền thống như thuốc lá, rượu, mở rộng phạm vi khỏi sân bay và hướng tới Trung Quốc.

Hải Nam - một hòn đảo nhiệt đới cách Hồng Kông 450 km về phía tây nam, từng là một vùng ngổn ngang với các khu nghỉ dưỡng bình dân chủ yếu phục vụ những du khách Trung Quốc không đủ khả năng chi trả để tới Hawaii nghỉ ưỡng. Ngày nay, nó đã thu hút khách du lịch với khả năng chi trả tốt hơn. Mua một chiếc áo choàng Gucci hoặc một món đồ trang sức hiệu Tiffany tại một trong những trung tâm mua sắm sang trọng, khổng lồ của Hải Nam đem lại cảm giác không khác gì mua sắm trên Đại lộ số 5 ở New York hoặc Đại lộ Montaigne ở Paris. 

Thay vì đi ra ngoài mua sắm, du khách từ Trung Quốc đại lục lựa chọn mua sắm tại sân bay trên đường trở về, hoặc đến thẳng đó. Theo các quy tắc được đưa ra cách đây một thập kỷ, đối với việc đánh thuế hàng hoá, Hải Nam được coi như một khu vực tách biệt với Trung Quốc đại lục, và do đó người mua được miễn rất nhiều loại thuế. Kết quả là những người mua sắm tại đây có thể tiết kiệm tới 30% số tiền.

Mua sắm miễn thuế gợi lên hình ảnh của các nhà ga và sân bay đông đúc. Vì đại dịch Covid-19 đã khiến những sân bay vắng bóng khách du lịch, các cửa hàng bên trong cũng phải chịu thiệt hại nặng nề. Theo Generation Research, một công ty tư vấn, doanh số bán hàng miễn thuế đạt 86 tỷ USD vào năm 2019, và con số này đã giảm 2/3 vào năm ngoái. 

Mauro Anastasi của Bain, một công ty tư vấn khác, dự báo doanh số bán lẻ nhờ du lịch sẽ không đạt được mức đó một lần nữa trước nửa sau của thập kỷ. Hành khách liên lục địa và khách doanh nhân, những người chi tiêu nhiều nhất, sẽ còn rất lâu mới quay lại việc di chuyển bằng máy bay. Khách du lịch Trung Quốc - là nhóm tiêu thụ hàng miễn thuế hàng đầu, luôn là những người tránh xa du lịch tới những quốc gia kiểm soát dịch bệnh kém.

Những người mua sắm sẽ sớm trở lại sân bay. Tuy nhiên, bởi những tác động của cuộc khủng hoảng, mua sắm miễn thuế sẽ có sự chuyển đổi sâu sắc: tập trung vào hàng xa xỉ, tách biệt dần khỏi du lịch và gần gũi hơn với những người tiêu dùng thượng lưu ở châu Á. Đảo Hải Nam là một ví dụ.

Triển vọng phục hồi

Trước khi xảy ra Covid-19, bán đồ cho khách du lịch là một trong số ít những điểm sáng của bán lẻ truyền thống. Hoạt động này đã trở nên phổ biến kể từ khi các tàu du lịch trên biển khơi mời chào rượu và thuốc lá miễn thuế tới hành khách của họ. Năm 1950, Ireland áp dụng nguyên tắc này vào ngành hàng không. Khi lượng khách du lịch tăng mạnh, các sân bay trên toàn thế giới tự biến mình trở thành các trung tâm mua sắm miễn thuế. 

Tăng trưởng ngành hàng năm khoảng 8% trong những năm trước đại dịch - gấp đôi con số của các cửa hàng khác - được thúc đẩy bởi doanh số bán rượu cognac, kính râm, ví và các loại quần áo khác. Doanh số bán hàng đã tăng gấp 8 lần kể từ cuối những năm 1980. Những người tiếp thị hào hứng gọi các cửa hàng miễn thuế là "lục địa thứ sáu".

Các sân bay vắng tanh, ngành bán lẻ miễn thuế “chật vật” tìm hướng đi mới - Ảnh 1.

Doanh thu từ hàng miễn thuế tăng trưởng đáng kinh ngạc (Nguồn: Generation Research)

Covid-19 đã kìm hãm sự tăng trưởng này. Cũng như đối với nhiều lĩnh vực khác, đại dịch đã thúc đẩy các xu hướng đã có từ trước mà giúp định hình lại ngành kinh doanh hàng miễn thuế. Trước tiên, cần đa dạng hoá các mặt hàng được miễn thuế. Lượng tiêu thụ rượu, và đặc biệt là thuốc lá đã giảm dần trong những năm qua. Các thương hiệu xa xỉ đã trở thành điểm sáng thu hút những khách du lịch giàu có tới mua sắm, đặc biệt là hành khách châu Á. Các mặt hàng xa xỉ, nước hoa và mỹ phẩm hiện thống trị mảng bán lẻ du lịch, ước tính chiếm 2/3 doanh thu.

Sự thay đổi thứ hai là việc tách rời khỏi các sân bay. Mặc dù sân bay vẫn là môi trường lý tưởng, nhưng trong những năm gần đây, mua sắm miễn thuế đã mở rộng tới các địa điểm xa hơn. Chi tiêu cho mỗi hành khách ở các sân bay đã giảm ngay cả trước khi đại dịch tấn công.

Đồng thời, các cửa hàng chuyên biệt ở trung tâm thành phố tại các điểm du lịch đã thu hút du khách, cho phép mua hàng giảm thuế nếu họ mang về đất nước những gì họ mua. Những địa điểm này, đặc biệt phổ biến ở châu Á, hiện chiếm gần 40% tổng doanh thu. Mặc dù các quy tắc khác nhau trên toàn cầu, nhưng một số cho phép mua sắm ngay cả từ những người chuẩn bị đi du lịch, ví dụ như một vé được đặt trước vài tháng.

Các cửa hàng miễn thuế đang mọc lên trên khắp Trung Quốc đại lục, phục vụ cho những du khách trong nước đã trở về từ nước ngoài (và sắp tới là những người có kế hoạch đi du lịch ở đó trong tương lai). Ví dụ, những du khách mua sắm người Trung Quốc ở Hải Nam hiện được hưởng khoản hỗ trợ miễn thuế 100.000 nhân dân tệ (15.500 USD) nhờ đợt giảm thuế tăng gấp ba lần gần đây.

Xu hướng cuối cùng, cũng đã xuất hiện ở Hải Nam, là hàng miễn thuế đang "dịch chuyển" về phía đông. Năm 2011 Châu Á - Thái Bình Dương đã vượt qua Châu Âu để trở thành thị trường lớn nhất trong khu vực (Mỹ, nơi hầu hết các chuyến bay là nội địa, chưa từng dẫn đầu). Trước đại dịch, Seoul, Incheon - cách Bắc Kinh hai giờ bay, đã trở thành sân bay mua sắm lớn nhất thế giới. Doanh thu của Prada và Hermès ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đã tăng hơn 40% vào năm 2020, chủ yếu là do sự bùng nổ ở Hải Nam. Doanh số bán hàng ở đó được cho là đã đạt 5 tỷ USD vào năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019. Các nhà theo dõi ngành này dự đoán nó có thể tăng gấp 5 lần trong vòng một thập kỷ.

Mặc dù người mua Trung Quốc là tập khách hàng tiêu thụ xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới trong nhiều năm, chiếm một phần ba tổng doanh thu toàn cầu, các thương hiệu vẫn miễn cưỡng coi những nơi như Hải Nam là địa điểm "nóng" tiêu thụ hàng cao cấp . Khoảng 2/3 chi tiêu của người Trung Quốc cho túi xách, đồng hồ và đồ trang sức khác diễn ra ở nước ngoài. 

Martin Moodie từ Moodie Davitt Report, một chuyên gia du lịch, cho biết: Việc giảm thuế ngày càng hào phóng hơn đối với mặt hàng xa xỉ là "nguyên lý quan trọng trong sứ mệnh dài hạn của chính phủ nhằm tối đa hóa tiêu dùng trong nước và kích thích người du lịch trở về nước để mua sắm". Daniel Zipser từ công ty tư vấn McKinsey, kỳ vọng tỷ trọng chi tiêu cho hàng xa xỉ ở nước ngoài sẽ giảm. Kết quả là, thái độ của các nhóm sang trọng đối với các địa điểm như Hải Nam "đã thay đổi đáng kể", Cherry Leung của Bernstein, một nhà môi giới cho biết.

Nếu người Trung Quốc tiếp tục mua đồ trang sức tại đất nước của họ, điều đó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp hàng miễn thuế đã từng thống trị các sân bay không phải của Trung Quốc, chẳng hạn như Dufry của Thụy Sĩ và DFS, một phần của đế chế hàng xa xỉ LVMH. Năm ngoái, China Duty Free, một tập đoàn do nhà nước kiểm soát, đã vượt qua Dufry để trở thành nhà cung cấp hàng xa xỉ miễn thuế lớn nhất thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường của chi nhánh niêm yết tại Thượng Hải của China Duty Free đã tăng hơn gấp ba lần trong năm qua, lên 112 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong những nhà bán lẻ có giá trị nhất trên thế giới.

Để thừa nhận sự thay đổi cán cân chi tiêu, một số nhà bán lẻ từ châu Âu đã cố gắng thâm nhập vào Hải Nam. Dufry đã bán cổ phần cho Alibaba với hy vọng gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc có thể giúp đỡ họ tại thị trường này. Tháng trước Lagardère Travel Retail từ Pháp đã khai trương cửa hàng thứ hai trên đảo.

Các sân bay sẽ vẫn là một địa điểm lý tưởng thu hút những người chi tiêu mạnh tay. Những người buồn chán chờ đợi chuyến bay được gọi là "dấu hiệu hoàn hảo" đối với các thương hiệu cao cấp. Julián Díaz González, ông chủ của Dufry, chỉ ra rằng hầu hết các nhà bán lẻ đều cố gắng để thu hút khách hàng đến cửa hàng hoặc trang web của họ. "Đối với chúng tôi, điều này giúp kích thích họ di chuyển từ hành lang đến các cửa hàng". Tuy nhiên khi ngành công nghiệp này tiếp tục phát triển, ông Díaz cho biết việc di chuyển các cửa hàng này để tiếp cận tới khách hàng nhiều hơn là một vấn đề lớn.

Theo The Economist

Mỹ Linh

Kinh doanh và phát triển

Trở lên trên