MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tập đoàn lớn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam

Tham dự sự kiện, các tập đoàn lớn như Google, Qualcomn, SpaceX, SK, Foxconn... đã mang đến những công nghệ mới, tiên phong trong các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng.

Thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mới tại Việt Nam

Cuối tuần qua, lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 đã được tổ chức tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Sự kiện đã ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức, tập đoàn, quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham dự.

Các tập đoàn lớn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng nhấn mạnh đây là 2 sự kiện rất quan trọng, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới, góp phần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

"Đổi mới sáng tạo đang là một xu thế tất yếu, sự lựa chọn mang tính chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước ta. Tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược nhưng phải hiện thực hóa bằng những việc làm, bước đi cụ thể, thực chất và hiệu quả. Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ tạo ra không gian đổi mới sáng tạo cho đất nước, thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển; đồng thời góp phần tạo nên một biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Các tập đoàn lớn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam

Thủ tướng cũng đề nghị phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn thế giới, các tổ chức quốc tế trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tinh thần hợp tác trong và ngoài nước cũng đã được thể hiện ngay trong sự kiện, khi chứng kiến sự hiện diện của những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, như Google, Qualcomn, Nvidia, SpaceX... đến từ Mỹ; hay tập đoàn SK của Hàn Quốc; Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc)… Họ mang đến những công nghệ mới, tiên phong trong các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng.

Những chiếc trụ sạc xe điện là 2 trong số nhiều công nghệ mới liên quan đến năng lượng được các tập đoàn lớn mang đến với Triển lãm Đổi mới sáng tạo Quốc gia năm nay.

Trong một chiếc xe điện, pin là cấu phần gần như quan trọng nhất. Pin ứng dụng vật liệu công nghệ cao vonfram có tốc độ sạc nhanh, an toàn và công suất gấp 10 lần so với dòng pin thông thường là sản phẩm doanh nghiệp này mang đến với triển lãm năm nay.

"Vonfram là một kim loại phổ biến trong ngành công nghiệp nặng, trước đây thường được tạo ra bằng hoạt động khai khoáng. Để đóng góp vào chuyển dịch xanh của Việt Nam, chúng tôi đang mong muốn đầu tư một nhà máy tái chế vonfram tại Việt Nam với quy mô 20 triệu USD", ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, cho biết.

Các tập đoàn lớn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tập đoàn SK đến từ Hàn Quốc đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh năng lượng mới bằng cách mua lại một công ty năng lượng tái tạo ở Việt Nam với giá gần 1.000 tỷ đồng.

"Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của khu vực, có rất nhiều nhà máy của các tập đoàn toàn cầu đã và đang được đặt tại Việt Nam. Nhu cầu về lắp đặt, sử dụng năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời sẽ rất lớn. Đó là cơ hội của chúng tôi", bà Suyeun Song, Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược, Tập đoàn SK, cho hay.

Riêng trong lĩnh vực nhiên liệu hydro, John Cockerill là 1 trong 2 tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới. Tập đoàn đang có kế hoạch chuyển toàn bộ hoạt động của mình sang Việt Nam, với khoản đầu tư ban đầu dự kiến lên đến 100 triệu USD.

"Việt Nam có đường bờ biển dài nên sẽ rất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, thậm chí còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hy vọng là trong một vài tháng tới, chúng tôi có thể công bố khoản đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chúng tôi đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp Việt để tạo ra chuỗi sản xuất điện từ hydro, và máy điện phân hydrogen", ông Francois Mitchell, Tổng Giám đốc Tập đoàn John Cockerill, thông tin.

Trên thế giới, hydrogen đã được xem là nguồn năng lượng sạch, không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. EU đặt mục tiêu hydrogen chiếm 13 - 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050. Mới đây, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược phát triển hydrogen với mục tiêu đạt 10 triệu tấn một năm vào năm 2030.

Việt Nam là điểm đến triển vọng của ngành bán dẫn toàn cầu

Triển lãm đổi mới sáng tạo quốc gia là nơi quy tụ những xu hướng mới trên toàn cầu, bên cạnh lĩnh vực năng lượng là bán dẫn.

Trong khuôn khổ triển lãm, Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn cũng đã diễn ra, nhằm thảo luận về thực trạng phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam có sự góp mặt của các công ty, tập đoàn lớn về bán dẫn trên thế giới như: Intel, Synopsys, Qualcomm hay Cadence.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện các tập đoàn này đều bày tỏ sự tin tưởng và cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, góp ý giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, qua đó có được sự chuẩn bị tốt nhất để đón nguồn vốn toàn cầu.

"Nguồn nhân lực dồi dào, sự ủng hộ của Chính phủ và tình hình địa chính trị ổn định là những lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp bán dẫn Mỹ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ đóng gói và lắp ráp chip, các bạn nên tập trung phát triển cả lĩnh vực thiết kế đang rất tiềm năng", ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, nhận định.

Nhằm thể hiện quyết tâm đưa Việt Nam trở thành điểm đến toàn cầu cho ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Quyết tâm này đã nhận được sự đánh giá cao của các tập đoàn bán dẫn quốc tế.

"Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành điểm đến toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Cái các bạn còn thiếu là kinh nghiệm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các bạn những gì chúng tôi biết về ngành công nghiệp này thông qua các chương trình đào tạo và các trung tâm nghiên cứu R&D chuyên sâu", ông Michael Shih, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cadence, cho biết.

Tại hội nghị, tập đoàn Cadence công bố chương trình hỗ trợ 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Samsung, SpaceX hay Intel cũng ký biên bản thành lập các trung tâm đào tạo, R&D về bán dẫn tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mới đây đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm nay. Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm ngoái. Đồng thời, Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục, có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Đây chính là nền tảng để đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột phát triển kinh tế trong những năm tới.

Triển lãm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ kéo dài tới ngày 1/11. Trong ngày hôm nay (30/10) sẽ là các Diễn đàn quỹ đầu tư, Diễn đàn đổi mới sáng tạo doanh nghiệp.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên