MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các thành phố đang biến "gánh hàng rong" thành "huyết mạch" kinh tế Trung Quốc như thế nào?

11-06-2020 - 14:32 PM | Tài chính quốc tế

Bán hàng rong đang nở rộ tại Trung Quốc, nhưng liệu có giúp hồi sinh nền kinh tế sau dịch COVID-19 như kì vọng?

Mới chỉ đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bày tỏ kì vọng bán hàng rong là một trong nhiều chiến lược để hồi sinh nền kinh tế, sau thời gian dài im ắng vì dịch COVID-19. Thế nhưng, khi triển khai trên thực tế, có vẻ như không phải tất cả các thành phố tại Trung Quốc đều có chung một cách tiếp cận.

Các thành phố đang biến gánh hàng rong thành huyết mạch kinh tế Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đứng trước sạp hàng bán thực phẩm tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Tháng 6/2020. (Nguồn: SCMP)

Có lẽ nhiều người cho rằng, các quầy bán hàng rong ngoài đường và các cửa hàng kinh doanh nhỏ sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp và sinh viên mới ra trường vào đúng thời điểm hậu COVID-19. Tuy nhiên, một số khác lại nhận định "kinh doanh hàng rong" không phù hợp với các thành phố tuyến đầu. Do vậy, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, đặc biệt Bắc Kinh đang tỏ ra thận trọng trong việc khuyến khích hình thức bán hàng rong.

Các thành phố đang biến gánh hàng rong thành huyết mạch kinh tế Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Người đàn ông bán hàng rong tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tháng 6/2020 (Nguồn: Reuters)

Tờ Nhật Báo Bắc Kinh giải thích nguyên nhân là do hình ảnh hàng rong nhan nhản ở các thành phố lớn là không phù hợp. Xét về mật độ dân số đông, cùng tình trạng tắc nghẽn trên đường và vỉa hè, kinh tế hàng rong không phải lý tưởng đối với các thành phố quy mô lớn ở Trung Quốc.

Chị Yan Ying, bán hàng rong tại Thủ đô Bắc Kinh cho hay: "Trước kia, chúng tôi được phép dựng rạp bán hàng ở đây, nhưng giờ có lẽ không được nữa rồi."

Không bán hàng rong ngoài đường một cách thiếu tổ chức, các thành phố ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc đã phát triển những chính sách riêng về mô hình kinh doanh này.

Chẳng hạn như thành phố Đại Dã, tỉnh Hồ Bắc cho phép mở cửa chợ đêm, để hỗ trợ những người mất việc làm, và doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong đợt dịch.

Chị Cao từng là giáo viên tại một trung tâm mỹ thuật tại thành phố. Thế nhưng lớp của chị đã phải đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát. Nay công việc chính của chị là tư vấn cho khách hàng loại trang sức phù hợp nhất.

Các thành phố đang biến gánh hàng rong thành huyết mạch kinh tế Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 3.

Chị Cao Wenqian bán hàng rong trong chợ đêm tại thành phố Đại Dã (Nguồn: CCTV)

Chị Cao Wenqian, chủ quầy bán hàng rong tại chợ đêm chia sẻ: "Giờ tôi mang những sản phẩm vòng cổ, và đồ trang sức tự làm đến đây bán. Doanh thu cũng tốt. Tôi thu về được vài trăm nhân dân tệ chỉ trong 2 ngày đầu mở cửa".

Anh Chen Guoying là một lao động tự do, không có công việc ổn định. Dịch COVID-19 lại càng khiến cho cơ hội kiếm việc làm của anh gặp khó khăn. Cũng may, anh có quầy hàng nhỏ tại khu chợ. Anh Chen Guoying cho biết, "nhờ việc bán ốp điện thoại như thế này mà tôi cũng kiếm được kha khá trang trải cho cuộc sống hàng ngày".

Khu chợ đêm tại thành phố Đại Dã sẽ tạm thời được mở cửa từ nay cho đến hết 29/10, bắt đầu từ 6 rưỡi đến 9h tối. Chỉ cần nộp đơn đăng ký cho người quản lý khu chợ, và tuân theo các quy định nghiêm ngặt phòng tránh dịch COVID-19, là các quầy hàng đã có thể được tự do bán tại đây.

Cũng có chiến lược tương tự, thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc bắt đầu chào đón các cửa hàng ăn đêm đến với khu chợ của thành phố.

Anh Ding Meisheng, chủ một cửa hàng ăn đêm cho biết: "Chúng tôi giờ có thể dựng bàn ăn ở ngoài đường, mỗi ngày cũng kiếm được ít nhất 30.000 nhân dân tệ. Hôm nay chúng tôi phục vụ được 77 bàn, chắc cũng kiếm được khoảng 27.000 đến 28.000 nhân dân tệ"

Các thành phố đang biến gánh hàng rong thành huyết mạch kinh tế Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 4.

Anh Ding Meisheng (áo trắng) chủ cửa hàng ăn đêm tại thành phố Nam Xương. (Nguồn: CCTV)

Đây là kết quả của một quá trình tìm hiểu và thảo luận giữa các chủ quầy hàng rong, và các cán bộ quản lý của thành phố, để cùng nhau chuẩn hóa các quy tắc về hoạt động kinh doanh, giúp nền kinh tế ban đêm tại Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn sau mùa dịch.

Theo Kim Huệ

VTV

Trở lên trên