Các trường hợp phong tỏa tài sản chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Quy định mới về việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư Số: 27/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/1/2019 quy định việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi giá trị thực của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giảm thấp hơn mức vốn pháp định liên tục quá thời gian 6 tháng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong một số trường hợp. (Ảnh minh họa: KT)
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, quy định tại Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu khắc phục, nhưng không có biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được trong thời hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Số lỗ lũy kế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 50% giá trị của vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất. Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu nhưng ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.
Khi có thông tin về việc ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại; Ngân hàng mẹ đã thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, hoặc Ngân hàng Nhà nước nhận được thông tin từ cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ về việc ngân hàng mẹ đã khắc phục được các tồn tại.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về thực trạng tổ chức và hoạt động khi Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu trong trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu thuộc một hoặc một số trường hợp phong tỏa vốn và tài sản. Đồng thời, thực hiện theo đúng Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp bị phong tỏa vốn và tài sản./.
VOV