Các tỷ phú Mỹ bỏ túi thêm 280 tỷ USD kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu
Tài sản ròng của các “đại gia” ngày một tăng cao trong bối cảnh hàng triệu triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp.
- 20-02-2020Tỷ phú Bloomberg sẽ bán công ty nếu đắc cử Tổng thống Mỹ
- 14-02-2020Mỹ có đến 607 tỷ phú, nhưng chỉ có 5 người là gốc Phi. Họ là ai?
Dù bản thân virus corona không phân biệt người nào có thể bị nhiễm, người nào không, nhưng đại dịch COVID-19 chắc chắn không thể làm xê dịch cán cân giàu – nghèo. Trong cùng thời điểm 22 triệu người Mỹ mất đi công ăn việc làm, khối tài sản của tầng lớp tỷ phú Mỹ vẫn tăng đều đặn 10% - hoặc tăng thêm 282 tỷ USD so với con số ước tính vào đầu tháng 3. Tổng số tài sản ròng của các "đại gia" này hiện đã lên đến con số 3,229 nghìn tỷ USD.
Cú sẩy chân của thị trường chứng khoán vào đầu đại dịch có thể gây chút hoang mang cho túi tiền của các tỷ phú – ví dụ, tài sản ròng của ông trùm Amazon, Jeff Bezos, đã tụt xuống mức 105 tỷ USD vào ngày 12/3. Nhưng rồi chuyện đâu lại vào đấy: đến ngày 15/4, tài sản ròng của ông đã tăng thêm 25 tỷ USD. Eric Yuan, nhà sáng lập và CEO của Zoom, là một trong số ít các nhà phát triển chứng kiến khối tài sản ròng tăng đều đặn kể cả khi thị trường gặp rắc rối, và hiện nay, tài sản ròng của ông đã lên mức 2,58 tỷ USD.
Những "kẻ hưởng lợi từ đại dịch" – theo cách gọi của một báo cáo từ Viện nghiên cứu chính sách Mỹ - chỉ là một mảnh nhỏ của bài toán bất bình đẳng giàu có tại Mỹ. Kể từ năm 1980, các khoản thuế được chi trả bởi các tỷ phú, vốn được tính theo tỉ lệ phần trăm của khối tài sản mỗi người sở hữu – đã giảm đến 79%.
"Chúng ta đang nói về những vị tỷ phú từ thiện chia sẻ 0,0001% tài sản của họ với cộng đồng trong khủng hoảng, nhưng trên thực tế, họ đã lợi dụng luật thuế để giảm thuế cho chính mình trong hàng thập kỷ - số tiền đó lẽ ra đã có thể được dùng vào xây dựng hệ thống y tế công tốt hơn" – Chuck Collins, giám đốc Chương trình Bất bình đẳng và Lợi ích chung tại Viện nghiên cứu chính sách Hoa Kỳ nói. Ông còn là đồng tác giả của bản báo cáo mang tiêu đề "Billionaire Bonanza 2020: Wealth Windfalls, Tumbling Taxes, and Pandemic Profiteers".
Viện nghiên cứu chính sách này từng đưa ra bản báo cáo Billionaire Bonanza đầu tiên vào năm 2015; kể từ đó, báo cáo đã tiếp tục đánh giá tình hình bất bình đẳng giàu nghèo tại Mỹ, mỗi năm lại tập trung vào những yếu tố cụ thể khác nhau (ví dụ, bản báo cáo năm 2018 nói về những đế chế giàu có). Bản báo cáo năm nay nói về các tỷ phú hưởng lợi từ đại dịch virus corona. Để đưa ra các số liệu và kết luận, Collins và các đồng tác giả khác đã nghiên cứu danh sách tỷ phú thế giới thường niên của Forbes, cũng như các danh sách theo dõi hàng ngày từ cả Forbes và Bloomberg.
Forbes phải chọn ra thời điểm để lấy số liệu tài sản ròng cho danh sách của họ, và họ đã chọn ngày 18/3; danh sách được hoàn thành vào ngày 7/4. "Chúng tôi ngay lập tức nghiên cứu nó và nhận ra rằng, mới chỉ 3 tuần sau thôi, câu chuyện đã thay đổi nhanh chóng" – Collins nói. "Đại dịch thực sự ảnh hưởng đến các tỷ phú; tài sản của họ giảm so với năm ngoái nếu xét trên toàn cầu, và nếu xét ở Mỹ, chỉ trong 3 tuần, họ đã vượt qua được số tài sản tích lũy năm ngoái và hiện đang hướng đến những cột mốc mới".
Ví dụ về sự bất bình đẳng trong thời buổi đại dịch này còn một lần nữa nhấn mạnh một số quan điểm mà viện nghiên cứu từ lâu đã đưa ra về hố sâu bất bình đẳng và chúng đã ăn sâu vào xã hội ra sao. "Bất bình đẳng là tình trạng đã tồn tại sẵn của nước Mỹ" – Collins nói. "Khi đại dịch xảy ra, xã hội đã rất phân cực rồi, và không may là chúng ta không hề muốn sau khi đại dịch kết thúc, tình hình càng phân cực hơn nữa".
Một phát hiện quan trọng của báo cáo là sau khủng hoảng kinh tế 2008, chưa đầy 30 tháng sau, tài sản của giới tỷ phú đã trở lại mức trước khủng hoảng. Tài sản của họ nhanh chóng vượt qua mức trước 2008. Nhưng đến năm 2019, tầng lớp trung lưu ở Mỹ thậm chí vẫn chưa thể hồi phục đến mức tài sản ròng của họ vào năm 2007. "Mọi người đối phó với đại dịch với tình trạng kinh tế vẫn bị ảnh hưởng từ sau cuộc đại khủng hoảng" – ông nói.
Để giải quyết vấn đề, các tác giả kêu gọi thiết lập một Ủy ban Giám sát Trục lợi Đại dịch, một Đạo luật Minh bạch Doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hoạt động che giấu tài sản, và một khoản Phụ thuế Thu nhập Triệu phú khẩn cấp 10%, cùng nhiều hành động khác.
Collins đặc biệt thích ý tưởng về một kế hoạch kích thích từ thiện, một kế hoạch có thể giúp chuyển khoảng 1,2 nghìn tỷ USD vốn đang không được sử dụng trong các tổ chức tư nhân, và khoảng 120 triệu USD khác trong các quỹ tư vấn, đến tay những người đang thực sự cần. Các tổ chức tư nhân hiện được đề nghị phải trả chỉ 5% thuế mỗi năm, và số tiền đó có thể bao gồm cả chi phí hoạt động; trong khi đó các quỹ tư vấn thì không cần, do đó không có gì khích lệ họ chuyển tiền đến các tổ chức từ thiện đang cần cả.
"Các nhà tài trợ giàu có đã tận dụng các điều khoản giảm thuế, và nay thì tiền cứ nằm yên ở đó… Nếu họ đang dành tiền cho một ngày mưa, thì họ nên nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời đang mưa rất nặng hạt" – ông nói. "Đã đến lúc hoàn thành phần thứ hai của lời hứa. Họ đã được giảm thuế; bây giờ hay chuyển tiền đến các tổ chức từ thiện cộng đồng đang hoạt động để giải quyết các vấn đề cấp bách, những tổ chức đang lo ngại sẽ phải đóng cửa vì thiếu kinh phí…"
Một số tỷ phú đã hiến tặng những khoản tiền lớn trong quãng thời gian diễn ra đại dịch, nhưng Collins nói chúng ta không thể cho phép những hành động từ thiện đó khiến người ta quên đi sự bất bình đẳng. "Từ thiện thực sự không phải là một sự thay thế cho một hệ thống thuế công bằng, và một mạng lưới an toàn công cộng được tài trợ đầy đủ" – ông nói.
Đối với hàng triệu người Mỹ đang chật vật kiếm tiền trả các khoản nợ, mua sắm thức ăn, và cố gắng sống sót qua đại dịch, Collins nói rằng đại dịch đã cho thấy sự thật đau lòng về một xã hội bất bình đẳng. Nhưng ông cũng thấy rằng quãng thời gian này như một sự thức tỉnh. "Điều tốt là hầu hết mọi người đều hiểu. Họ thực sự hỗ trợ các chính sách công có thể đưa chúng ta theo một hướng đi mới", như thuế đối với người giàu, hay thuế thừa kế lũy tiến, hoặc thậm chí là mức lương tối thiểu 15 USD đối với các nhân viên tạp hóa và những người lao động khác. "Các chính trị gia của chúng ta có thể nắm bắt được công chúng khi tìm cách giải quyết tình trạng bất bình đẳng này".
Tham khảo: FastCompany
Tổ quốc