Các ứng dụng giao đồ ăn đối mặt với phản ứng dữ dội từ nhiều nhà hàng tại Trung Quốc
Đối với ông Mike Wong – chủ chuỗi nhà hàng Hong Kong Grassroots Canteen có 2 chi nhánh tại Bắc Kinh, dịch vụ takeaway – một loại hình kinh doanh phục vụ khách hàng theo hình thức mang đi – từ lâu đã là một vấn đề phức tạp.
Tại Trung Quốc, ứng dụng giao hàng Meituan Dianping và đối thủ Ele.me thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba, được coi là những “kẻ thống trị” trong ngành dịch vụ giao đồ ăn tận nơi. Bằng cách đăng nhập vào các ứng dụng này, người dùng có thể đặt món tại bất kỳ cửa hàng nào mà họ mong muốn và sẽ được giao hàng theo yêu cầu.
Ông Wong cho biết Meituan tính phí tối thiểu 20% cho mỗi đơn hàng. Đây là một khoản tiền đáng kể đối với một doanh nghiệp nhỏ. Tại Bắc Kinh, có rất nhiều người sử dụng dịch vụ này, thậm chí chỉ là một cốc trà sữa hoặc một bát mỳ hoành thánh.
“Tôi chỉ thu được khoảng 10 – 15% lợi nhuận. Vì vậy, đối với một đơn đặt hàng, hầu hết tất cả lợi nhuận đều phải trả cho Meituan. Số tiền hoa hồng là như nhau và không phân biệt theo số lượng bữa ăn hay khoảng cách giao hàng. Ứng dụng nhận đơn đặt hàng và thu tiền của khách hàng, sau đó họ sẽ giữ số tiền này trong một tháng, điều này ảnh hưởng lớn đến dòng vốn của tôi. Đây là một thoả thuận không công bằng đối với những người bán hàng”, Wong nói.
Ông Wong đã bắt đầu chuyển sang sử dụng FlashEx, một nhà cung cấp dụng vụ giao hàng nội bộ áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa, để nhận đơn hàng giao cho khách của mình.
“Tại Australia, khách hàng phải trả thêm tiền nếu đặt đồ mang đi. Nhưng ở Trung Quốc, nếu bạn tăng phí đối với một đơn hàng giao tận nơi, khách hàng sẽ quay lưng với bạn. Vì vậy, tôi trả phí giao hàng bằng sử dụng dịch vụ FlashEx, tính phí theo khoảng cách giao hàng. Đơn hàng trong khoảng 5 km sẽ có giá khoảng 1,41 USD. Rẻ hơn nhiều so với Meituan”, ông nói.
Wong là một trong số các chủ sở hữu nhà hàng đang phát triển tại Trung Quốc phải đấu tranh chống lại “sự thống trị” của các ứng dụng gọi món và giao hàng tận nơi tại Trung Quốc.
Một báo cáo gần đây của nền tảng phân tích dữ liệu tại Trung Tâm dữ liệu Internet Trung Quốc (DCCI) cho thấy gần một nửa số người dùng Internet đã sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến vào năm 2019. Trong đó, 67% người dùng thường xuyên lựa chọn Meituan.
Làn sóng chỉ trích đã trở nên dữ dội hơn trong đại dịch COVID-19 khi các nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề vì việc phải tạm dừng kinh doanh, nhân viên bỏ việc. Vào tháng 4, Hiệp hội Nhà hàng Quảng Đông đã gửi một bức thư đến Meituan kêu gọi nền tảng này cắt giảm phí hoa hồng cho các đơn giao hàng và loại bỏ những điều khoản không công bằng khi các nhà hàng ký hợp đồng với họ.
Vào tháng 2, các hiệp hội nhà hàng ở thành phố phía Tây Nam Trùng Khánh, cũng như các tỉnh Hà Bắc, Vân Nam và Sơn Đông đều gửi thư kêu gọi Meituan và Ele.me giảm phí hoa hồng.
Bức thư từ Sơn Đông tiết lộ rằng Meituan tính phí hoa hồng đối với các chuỗi nhà hàng là 18% và các doanh nghiệp nhỏ hơn là 23%, trong khi tiền hoa hồng phải trả cho Ele.me dao động từ 15% đến 20% mỗi đơn hàng. Ngoài ra, Meituan sẽ tính phí hoa hồng cao hơn nếu các nhà hàng muốn hợp tác thêm với các nền tảng khác.
Chủ sở hữu một cửa hàng mỳ chua cay ở Bắc Kinh đã đặt một chiếc danh thiếp trong mỗi đơn đồ ăn giao đi. Chiếc danh thiếp này bao gồm số điện thoại, tài khoản mạng xã hội của cửa hàng và ưu đãi giảm giá 10% khi khách hàng đặt hàng trực tiếp tại cửa hàng.
“Chúng tôi có những nhân viên giao hàng riêng của mình. Trong đại dịch, khi phải đóng cửa hàng, chúng tôi đã chụp ảnh lại các món ăn của mình và thiết lập một nền tảng đặt hàng trực tuyến cho những món ăn mang đi. Chúng tôi cũng tạo các video dạy nấu ăn và đăng lên các ứng dụng như Douyin để quảng bá cửa hàng của mình. Nếu thu hút được lượng khách hàng đủ lớn, chúng tôi có thể ngừng sử dụng hoàn toàn các dịch vụ giao hàng này”, chủ cửa hàng cho biết.
Liu Jingjing, người sáng lập chuỗi nhà hàng cháo Porridgr Jiehe, có hơn 100 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, cho biết họ đã nâng cấp ứng dụng giao hàng của mình cho phép nhân viên tương tác trực tiếp với khách hàng.
“Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm được khoản phí hoa hồng phải trả cho các nền tảng giao hàng. Chúng tôi đã có hơn 2 triệu thành viên đăng ký và đã thuê một công ty giao hàng riêng cho mình”, ông Liu nói.
Phát ngôn viên của Meituan cho biết trong năm 2019, hơn 3 triệu cửa hàng đã sử dụng dịch vụ đặt hàng qua ứng dụng của mình. Trong đó, có hơn 80% nhà hàng trả phí hoa hồng khoảng 10 đến 20%.
“Phí hoa hồng thực sự thấp hơn rất nhiều những lời đồn đại. Số tiền mà các nhà hàng nhận được luôn lớn hơn lợi nhuận của các nền tảng giao hàng. Sau khi ra mắt Meituan Waimai (giao hàng tận nơi), chúng tôi đã chịu lỗ trong 5 năm liên tiếp. Ngay cả trong năm 2019, chúng tôi vẫn chỉ hòa vốn. Chúng tôi đã phải đầu tư một khoản rất lớn để giúp các thương nhân phát triển dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp, nhận đơn đặt hàng và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Trong suốt đại dịch, chúng tôi đã trả lại khoảng 3 – 5% tiền hoa hồng cho các cửa hàng bị ảnh hưởng. Hơn 600.000 thương nhân đã được hưởng lợi từ điều này”, đại diện Meituan nói.
Họ cũng cho biết các thương nhân tại Vũ Hán đã không phải trả phí hoa hồng từ tháng 2 cho đến tháng 4 khi lệnh phong tỏa thành phố được dỡ bỏ. Đối với Quảng Đông, cho đến nay, khoản tiền trợ cấp Meituan đã trả lại cho các thương nhân lên đến hơn 100 triệu nhân dân tệ.
Người phát ngôn của Ele.me cho biết họ đã giảm giá hoặc miễn phí hoa hồng 4 lần kể từ khi đại dịch bùng phát. Ele.me cũng hỗ trợ các nhà hàng bằng cách cung cấp cho họ các tài nguyên quảng cáo miễn phí, như biển quảng cáo ngoài trời, TV khách sạn và các kênh khác.
“Những biện pháp này cũng là bài học về tự sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn cho các nhà hàng. Nhân viên dịch vụ cũng có thể chuyển sang làm nhân viên giao hàng nếu họ không có việc làm sau khi các cửa hàng phải đóng cửa vì đại dịch”, người phát ngôn của Ele.me nói.
Báo tin tức