MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các xu hướng công nghệ có thể chắp cánh cho khát vọng kinh tế của Việt Nam

29-09-2022 - 10:46 AM | Kinh tế số

Các xu hướng công nghệ có thể chắp cánh cho khát vọng kinh tế của Việt Nam

Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ sáng tạo đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu Covid-19. Báo cáo “Triển vọng Xu hướng Công nghệ năm 2022” của McKinsey xem xét các xu hướng này theo hai nhóm chủ đề.

Nhóm đầu tiên là “Kỷ nguyên Silicon” (“Silicon Age”) khám phá sự nổi lên nhanh chóng của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Web3, máy học và các giao thức kết nối nâng cao, cũng như cách mà những công nghệ này sẽ biến đổi các nền kinh tế và chuỗi sản xuất trên toàn cầu. Nhóm thứ hai là “Kiến tạo cho tương lai” (“Engineering Tomorrow”), phân tích các công nghệ đột phá trong các mảng như năng lượng, vận tải, kỹ thuật sinh học, không gian vũ trụ và cách thức chúng đang tạo ra các ngành công nghiệp và lĩnh vực hoàn toàn mới.

Cùng phối hợp với báo cáo toàn cầu này, chúng tôi (nhóm chuyên gia từ McKinsey - PV) đã đánh giá ảnh hưởng của những công nghệ mới này đến nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể hơn, chúng tôi muốn xác định các lĩnh vực có thể bứt phá nhiều nhất và giúp tăng tốc phát triển kinh tế Việt Nam nếu được quan tâm đúng mức

Đã đến lúc nỗ lực mạnh mẽ hơn

Trong những thập kỷ gần đây, đông đảo lực lượng lao động giá rẻ từ khu vực nông thôn và các chính sách ưu đãi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thu hút hoạt động sản xuất và đầu tư ra khỏi Trung Quốc, góp phần tăng trưởng kinh tế đáng kể cho Việt Nam. Điều này đã giúp tạo ra một nền kinh tế có khả năng hồi phục cao, ngay cả trong bối cảnh đại dịch, và vào tháng 8, Ngân hàng Thế giới đã dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 7,5%.

Thành công này phần lớn đến từ việc các ngành trong nước áp dụng công nghệ số. Tuy nhiên, Việt Nam cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để duy trì và đẩy nhanh đà tăng trưởng này.

Hiện tại, Việt Nam đang nằm giữa ngã ba đường với một mô hình mở rộng phụ thuộc nhiều vào giá nhân công rẻ để cạnh tranh về giá thành sản xuất, song khi kinh tế phát triển và chi phí lương tăng lên, cần phải tiến những bước lớn trong cải thiện năng suất để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại. Điều này thường đòi hỏi phải áp dụng và đổi mới công nghệ một cách nhanh chóng.

Một giải pháp để duy trì đà tăng trưởng là chuyển đổi Việt Nam từ chỉ là một “công xưởng chế tác” thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ.

Bốn “làn sóng công nghệ” làm Việt Nam chuyển mình

Từ kinh nghiệm trên toàn cầu và tại Việt Nam, chúng tôi đã xác định được bốn xu hướng công nghệ có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến Việt Nam. Am hiểu những xu hướng này sẽ góp phần đưa Việt Nam tiếp bước trên con đường tới thịnh vượng.

Kết nối nâng cao

Kết nối nâng cao - giữa người với người, giữa con người với máy móc và giữa máy móc với nhau - là một trong những xu hướng công nghệ phát triển mạnh nhất hiện nay. Được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các mạng di động 5G, các liên kết tốc độ siêu nhanh và ổn định có thể trở thành bàn đạp cho đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành kinh tế và dịch vụ công.

Các xu hướng công nghệ có thể chắp cánh cho khát vọng kinh tế của Việt Nam - Ảnh 1.

Mặc dù các công ty viễn thông tại Việt Nam ước tính có thể phải đầu tư đến 2,5 tỷ USD, lợi ích được dự báo mang lại cho nền kinh tế từ kết nối nâng cao có thể nhanh chóng vượt xa con số trên.

Sự trỗi dậy của cư dân số

Cư dân số (digital native), cụm từ thường dùng để mô tả thế hệ sinh sau năm 1980 và làm quen từ nhỏ với máy tính và các thiết bị số khác, đang dần dần chiếm vị thế trong nền kinh tế và hoạt động thương mại. Theo một nghiên cứu của McKinsey, đến năm 2030, thế hệ này dự kiến sẽ đóng góp khoảng 40% giá trị tiêu dùng nội địa của Việt Nam.

Các xu hướng công nghệ có thể chắp cánh cho khát vọng kinh tế của Việt Nam - Ảnh 2.

Là những nhu cầu thiết yếu giữa đại dịch, ngành tài chính và bán lẻ đã dẫn đầu trong việc số hóa và sử dụng phân tích nâng cao để tiếp cận những khách hàng này. Tuy nhiên, tất cả các ngành tiếp xúc với người tiêu dùng đều có thể hưởng lợi ở nhiều khía cạnh khác nhau, như tối ưu hóa giá thành và xây dựng các mô hình dự báo.

Tự động hóa quy trình

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với FDI, với lượng vốn được thu hút ròng tương đương với 4,6% GDP vào năm 2020, so với mức dưới 2% ở Indonesia và Trung Quốc và con số âm tại Thái Lan. Một yếu tố quan trọng để duy trì thành công này là việc áp dụng các quy trình tự động hóa để dịch chuyển từ hoạt động sản xuất giá trị thấp, thâm dụng lao động sang các quy trình giá trị cao như rô-bốt tiên tiến (advanced robotics), sản xuất thông minh, và tối ưu hóa dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Các xu hướng công nghệ có thể chắp cánh cho khát vọng kinh tế của Việt Nam - Ảnh 3.

Phát triển bền vững

Trong bối cảnh gia tăng những lo ngại về biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, nền kinh tế toàn cầu đang hành động nhanh chóng để tách rời tăng trưởng kinh tế với gia tăng phát thải cacbon. Không chỉ trên phương diện môi trường, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ sự chuyển dịch này với vai trò là một “công xưởng sản xuất sạch”.

Các xu hướng công nghệ có thể chắp cánh cho khát vọng kinh tế của Việt Nam - Ảnh 4.

Để đạt được điều này, bước đi cần thiết đầu tiên sẽ là phát triển ngành năng lượng tái tạo – vốn là một thách thức khi Việt Nam vẫn dựa vào than và dầu diesel để cung cấp khoảng 50% sản lượng điện toàn quốc, và lượng điện năng tiêu thụ dự kiến sẽ tăng 9% mỗi năm cho đến năm 2030. Việc tăng cường hiệu suất năng lượng và hỗ trợ phát triển xe điện cũng là những biện pháp đầy hứa hẹn.

Đặt nền móng cho tương lai

Để phát huy những làn sóng này và hướng tới một tương lai thịnh vượng, Việt Nam phải đặt nền móng để hỗ trợ một nền kinh tế được dẫn dắt bởi công nghệ. Các cấu phần quan trọng của nền móng này bao gồm một khuôn khổ bảo mật dữ liệu và an ninh mạng chặt chẽ, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để triển khai các công nghệ mới, và tạo đột phá trong đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) từ mức thấp nhất trong khu vực tiến đến nhóm cao nhất.

Tại Việt Nam, đầu tư cho R&D chỉ dừng lại ở mức 0,19% GDP, so với 0,48% ở Thái Lan, 0,82% ở Ấn Độ và 2,19% ở Singapore.

Một ví dụ điển hình về việc theo đuổi chính sách này của Việt Nam là quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, nơi các nhà đầu tư có thể thu về đến gấp rưỡi chi phí bỏ ra cho hoạt động R&D nếu tính cả những khoản khấu trừ về thuế.

Nếu vượt qua được những thách thức này, vị thế cũng như năng suất lao động của Việt Nam sẽ được củng cố mạnh mẽ, và đây là điều cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng của quốc gia sau thập kỷ 2020. Để đảm bảo cho thành công đó, Việt Nam buộc phải hành động nhanh chóng, nếu không, sẽ gặp nguy cơ tụt hậu so với những quốc gia khác có chung tham vọng dẫn đầu trong nền kinh tế số toàn cầu.

Matthieu Francois là Giám đốc Hợp danh và Jyoti Prakash Datta là Giám đốc Sản phẩm Cấp cao tại Văn phòng McKinsey Thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết này có sự đóng góp của Thảo Lê.

Jyoti Prakash Datta - Matthieu Francois - Thao Le

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên