Cách CEO gốc Ấn giúp Microsoft đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD khiến thế giới choáng váng
Trong thập kỷ qua, thành công của Microsoft đều đến từ những vụ đặt cược thông thái của Giám đốc điều hành Satya Nadella.
- 26-01-2024Giải bài toán chăm lo cho người lao động bằng chuyển đổi số
- 26-01-2024Lượng khách hàng tăng cao kỉ lục, Netflix vẫn dự kiến tăng phí dịch vụ
- 26-01-2024Australia áp đặt quản lý công nghệ AI để giảm thiểu rủi ro an ninh
Microsoft đã trở thành công ty thứ hai trên thế giới đạt vốn hoá 3 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 24/1. Cột mốc phản ánh sự lạc quan của giới đầu tư, rằng một trong những công ty công nghệ lâu đời nhất phố Wall đang dẫn đầu cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo.
Trong thập kỷ qua, thành công của Microsoft đều đến từ những vụ đặt cược thông thái của Giám đốc điều hành Satya Nadella. Một trong những canh bạc lớn nhất của ông trong những năm gần đây là hợp tác với startup phi lợi nhuận OpenAI - công ty đứng đằng sau ‘cơn sốt’ ChatGPT trong suốt một khoảng thời gian dài.
“Đối với tôi, Microsoft có cơ hội trở thành người dẫn đầu phần mềm trong lĩnh vực AI”, Daniel Morgan, giám đốc danh mục đầu tư của Synovus Trust, người sở hữu cổ phiếu Microsoft, cho biết.
Vốn hóa lần đầu tiên tăng lên 3 nghìn tỷ USD, Microsoft nhanh chóng soán ngôi Apple để trở thành công ty niêm yết đại chúng có giá trị cao nhất thế giới. Microsoft hiện được định giá ở mức 3.009 nghìn tỷ USD, so với 3.002 nghìn tỷ USD của Apple.
Microsoft là nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI. Suốt 5 năm qua, tập đoàn này chi 13 tỷ USD để đổi lấy 49% cổ phần, qua đó giành quyền truy cập sớm các mô hình mới nhất của OpenAI. Việc tích cực áp dụng và mở rộng công nghệ của Microsoft đã giúp hãng vượt qua các đối thủ.
Kể từ tháng 1/2023, cổ phiếu Microsoft tăng gần 70%, tức thêm hơn 1,2 nghìn tỷ USD vào định giá thị trường.
Ông Nadella đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman, đồng thời kết hợp công nghệ khởi nghiệp vào các sản phẩm hàng đầu Microsoft. Các nhà đầu tư lạc quan rằng công cụ AI này—bao gồm cả trợ lý Copilot —sẽ tạo ra nguồn thu mới cho tập đoàn.
Các giám đốc điều hành của Microsoft rất hào hứng với công nghệ tiên tiến. Scott Guthrie, một trong những phó chủ tịch điều hành công ty cho biết: “Điều này giống thời của Windows 95. Mọi người xếp hàng ở Best Buy lúc nửa đêm để mua nó. Lần này, hộp thư đến của tôi toàn là những yêu cầu quyền truy cập phiên bản Copilots đầu tiên”.
“Họ có một khởi đầu thuận lợi nhờ OpenAI, đổi mới, phát triển nhanh chóng hơn hầu hết các công ty phần mềm”, Rishi Jaluria, nhà phân tích tại RBC Capital cho biết.
Trong năm 2023, cổ phiếu Microsoft đã tăng hơn 55%, vượt xa chỉ số Nasdaq Composite Index, vốn tăng chưa đến 45%.
Một số nhà đầu tư lo ngại bong bóng có thể hình thành xung quanh sự cường điệu mà AI tạo ra. Hiện vẫn chưa rõ xu hướng mới này sẽ mang lại bao nhiêu doanh thu cho các tập đoàn dấn thân. Ngay cả những cái tên được cho là hưởng lợi lớn nhất vẫn có thể phải mất nhiều năm để nắm bắt trọn vẹn cơ hội.
Quy mô lớn của Microsoft và các công ty cùng ngành như Apple đồng nghĩa với việc cổ phiếu công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong diễn biến thị trường chứng khoán nói chung. Khi năm mới bắt đầu, hai công ty công nghệ này chiếm 14% giá trị thị trường của S&P 500, theo S&P Dow Jones Indices.
Được biết bắt đầu từ năm 1975, Microsoft điều hướng quá trình phát triển từ máy tính cá nhân đến Internet và thiết bị di động. Hệ điều hành có mặt tại trong hầu hết các máy tính trên thế giới. Phần mềm tại nơi làm việc cũng đóng vai trò quan trọng.
Những năm gần đây, trong khi một số công ty công nghệ phải vật lộn với điều kiện kinh tế suy thoái, Microsoft đã tìm ra cách tăng doanh thu. Hoạt động kinh doanh cốt lõi giúp đây trở thành một trong những công ty có khả năng mua lại công nghệ cao nhất.
“Đã có lúc Microsoft không phải là một phần của FAANG và bây giờ, công ty hoàn toàn nằm trong nhóm 7 doanh nghiệp tuyệt vời”, Soma Somasegar, một nhà đầu tư mạo hiểm của Madrona Ventures kiêm cựu giám đốc điều hành của Microsoft, cho biết.
Số 7 mà ông Soma Somasegar nhắc tới ám chỉ những tập đoàn dẫn đầu về công nghệ hiện nay, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Nvidia. Tesla và Microsoft.
Nadella, người đã đảm nhiệm vị trí CEO gần một thập kỷ, đã dẫn dắt công ty vượt qua các mốc định giá nghìn tỷ USD. Microsoft đạt vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD vào năm 2019 và 2 nghìn tỷ USD chỉ 2 năm sau đó.
Dưới thời Nadella, dịch vụ đám mây Azure của Microsoft cũng đã trở thành động lực tăng trưởng chính. Sự bùng nổ AI chắc chắn sẽ còn thúc đẩy tăng trưởng tại Azure.
“Mọi thay đổi công nghệ đều hữu ích nếu chúng làm được điều gì đó trong thế giới thực”, Giám đốc điều hành Satya Nadella nói.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 2/6, ông Kirk Materne ước tính doanh thu Microsoft từ các tính năng do OpenAI cung cấp có thể đạt 99 tỷ USD vào năm 2027. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Microsoft mạnh tay đầu tư những 13 tỷ USD vào OpenAI kể từ năm 2019.
Trong quá khứ, Microsoft từng phát triển một chatbot cho riêng mình. Nó có tên Tay, ra đời hồi năm 2016, được lập trình để bắt chước các hành vi, lời nói của một cô gái tuổi teen khoảng 18 đến 24 tuổi trên mạng xã hội.
Đáng tiếc, các kỹ sư Microsoft không lường hết được xu hướng phản ứng của người dùng. Chỉ sau 24 giờ ra mắt, Tay từ “cô gái trẻ” ngoan ngoãn trở thành một chatbot chướng tai, ủng hộ phát xít và phản đối nữ quyền. Nó tweet những lời nói lệch lạc, xấu xí và bị Microsoft ngừng thử nghiệm ngay lập tức để tránh đàm tiếu.
Sự việc rùm beng của chatbot Tay làm dư luận dấy lên nhiều lo ngại rằng liệu những trí tuệ nhân tạo trong tương lai có an toàn hay không, khi mà chỉ cần chưa đến 24 giờ, một AI “ngây thơ” đã trở nên “nổi loạn”. Microsoft khi đó khẳng định những “ý kiến” mà Tay nói ra không phải do công ty lập trình, đồng thời cho biết các lập trình viên đã nỗ lực hết sức để vá các lỗ hổng an ninh.
Theo: WSJ, Bloomberg
An ninh tiền tệ