Cách “dụ” nhân tài của “sếp” Phạm Thanh Hưng: Tôi cố tình đưa ra mức lương gợi ý thấp để thăm dò ứng viên và các sếp khác, sau đó “săn” người giỏi với mức lương khủng hơn!
“Tôi hỏi câu hỏi rất nhanh, bất ngờ, kiểm tra tính phản xạ của ứng viên, không có trong kịch bản của các cuộc phỏng vấn thông thường”. Chẳng hạn như “nếu có 100 triệu em sẽ làm gì?”, sếp Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup bật mí cách “chiêu” nhân sự.
Các sếp bật mí "chiêu" thu hút nhân tài tại show truyền hình thực tế về việc làm
Tại chương trình truyền hình thực tế "Cơ Hội Cho Ai - Whose Chance" đang phát sóng trên VTV3, bên cạnh tài năng của các ứng viên, chương trình còn tạo sự hấp dẫn thông qua tiêu chí lựa chọn và màn đề xuất lương kịch tính giữa các Sếp với ứng viên. Trong đó, nhiều sếp "tung chiêu" để "săn" được ứng viên thành công.
Khi tham gia tuyển dụng, người lao động thường thắc mắc về tiêu chí lựa chọn của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc toàn quốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự Tập Đoàn ManPower Việt Nam - đối tác nhân sự cho chương trình "Cơ hội cho ai - Whose Chance chia sẻ: "Các sếp tham gia chương trình là chủ doanh nghiệp, vì vậy họ rất hiểu cơ cấu tổ chức hiện tại, đang cần những vị trí như thế nào, thậm chí, có thể linh động tạo ra một vài vị trí dựa trên năng lực của các ứng viên tham gia. Vì thế về tiêu chí lựa chọn của các sếp sẽ không bị ràng buộc và cố định. Đương nhiên, sẽ vẫn có những tiêu chí mang tính cơ bản như trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ, số năm kinh nghiệm cho các vị trí sẽ vẫn được đảm bảo".
Liệt kê các tiêu chí lựa chọn thường được cân nhắc nhiều, bà Thu Trang nhấn mạnh về khả năng thuyết trình (về bản thân, về dự án…); Kỹ năng xử lý vấn đề; Kỹ năng quản lý và tính trách nhiệm với công việc.
Chia sẻ về phương thức kiểm tra khả năng của ứng viên, sếp Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ - CenGroup chia sẻ: "Tôi hỏi câu hỏi rất nhanh, bất ngờ, kiểm tra tính phản xạ của ứng viên, không có trong kịch bản của các cuộc phỏng vấn thông thường". Chẳng hạn như "nếu có 100 triệu em sẽ làm gì?".
Còn sếp Gabor Fluit - Tổng Giám Đốc DE HEUS Châu Á thì dựa vào tính cách của ứng viên xem có phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp không, vì ngành thức ăn chăn nuôi đòi hỏi nhân sự phải chịu khó, có sự quyết tâm và thích di chuyển nhiều nơi.
Các Sếp đã dùng "chiêu" để thu hút được nhân tài về cho doanh nghiệp của mình
Có đến 6 vị sếp đại diện cho 6 Tập Đoàn nhưng chỉ có một cơ hội công việc được trao cho ứng viên, đây chính là yếu tố tạo ra kịch tính ở vòng cuối cùng của chương trình truyền hình thực tế này.
Trước những ứng viên tài năng thì cuộc "cạnh tranh" sẽ ngày càng gay cấn hơn. Sếp Phạm Thanh Hưng đã bật mí "chiêu" thu hút ứng viên Phạm Thị Nhung ở tập 12: "Tôi cố tình đưa ra mức lương gợi ý thấp hơn để thăm dò Nhung và các Sếp". Sau đó, sếp Hưng tung chiêu "săn" Nhung về đầu quân cho doanh nghiệp mình với mức lương khủng là 45.678.900 triệu. Ứng viên Phạm Thị Nhung vừa quyết định chọn sếp Hưng cũng là lúc sếp Lưu Nga và sếp Ngô Hoàng Gia Khánh buồn "rười rượi" vì bị "tuột" mất ứng viên tài năng này.
Tiết lộ bản thân hơi "nghệ sỹ", nên không thích tiếp cận các con số, "bóng hồng" duy nhất của chương trình – sếp Lưu Nga, CEO Elise đặt niềm tin vào nam ứng viên Trần Quốc Đại (28 tuổi, thạc sĩ Kế toán - kiểm toán của Trường Đại học Thương mại) với vị trí đề xuất là trợ lý tài chính cho Giám Đốc. Sếp Nga quyết tâm có được Quốc Đại và công khai "tuyên chiến" với sếp Thanh Hưng qua việc đề xuất mức lương bằng nhau là 25 triệu. Cô chia sẻ những trăn trở của mình về thu nhập của nhân viên.
Thậm chí tranh giành ứng viên bằng mức lương
Nữ CEO tiết lộ, 2 năm nay những nhân viên có sức cống hiến lớn tại công ty đã có được mức thu nhập cao hơn nhiều với mức lương kỳ vọng của Quốc Đại (là 23 triệu đồng). Còn Sếp Hưng gợi ý cho phép ứng viên qua công ty sếp Nga tư vấn nếu ứng viên đầu quân cho sếp Hưng. Kết quả, trước khi ứng viên Quốc Đại đọc tên sếp mình lựa chọn, sếp Hưng bất ngờ đứng dậy thuyết phục nam ứng viên song Quốc Đại đọc tên nữ Giám đốc Lưu Nga trong sự bất ngờ của mọi người.
"Khi ứng viên vượt qua được vòng Chinh phục thì lúc này vị thế của người lao động được nâng cao thông qua việc các sếp phải cạnh tranh để thu hút ứng viên về công ty của họ. Chương trình mong muốn tạo cầu nối giúp cung và cầu lao động gặp được nhau, hướng đến việc giúp các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của nhân sự, chủ động xây dựng môi trường làm việc tốt, quan tâm đến người lao động và có chính sách thu hút, đãi ngộ người tài", đại diện chương trình "Cơ hội cho ai" nhấn mạnh.
Trí thức trẻ