MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách mạng công nghiệp 4.0: Chỉ ngồi kỳ vọng chắc chắn sẽ thất bại

Khi đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức sẽ rất nguy hiểm.

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0) được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía nhà nước cần có những chính sách ưu tiên, ưu đãi như thuế, tài trợ các khoản ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng

Ở phía các doanh nghiệp, cần phải hiểu đúng và đầy đủ về cuộc cách mạng, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc.


Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ(Bộ Công Thương).

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ(Bộ Công Thương).

PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng của Việt Nam trong việc tiếp cận cũng như triển khai “cuộc cách mạng” 4.0 tại thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Phú Cường: Cuộc cách mạng 4.0 không của riêng quốc gia nào, nếu không có tư duy đổi mới, phát triển và ứng xử phù hợp thì sẽ bị đào thải. Nếu một quốc gia chấp nhận “đứng im” sẽ đồng nghĩa với sự thụt lùi.

Khi tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…

Thực tế ở Việt Nam khi tiếp cận và triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 đang được phân chia thành 2 cấp độ, thứ nhất là quốc gia, thứ hai là doanh nghiệp. Với doanh nghiệp lại chia ra doanh nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai cấp độ này đều có cái nhìn và tác động khác nhau đối với cách mạng 4.0.

Nếu nhìn dưới góc độ quốc gia ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã xây dựng rất nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi như thuế, tài trợ các khoản ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng…

Về phía doanh nghiệp, họ cũng phải trăn trở, suy nghĩ về tương lai của mình. Đơn cử, 1 dây truyền sản xuất vừa mua về với chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu bây giờ thay đổi hoặc điều chỉnh để ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ tác động đến doanh nghiệp như thế nào? Không điều chỉnh thì bị đào thải, điều chỉnh sẽ rất tốn kém. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải thông minh và tự tìm lời giải tối ưu nhất từ làn sóng 4.0 này.

Đây cũng là lý do vì sao cách mạng 4.0 phải phân ra nhiều cấp độ, từ nhà nước, chính phủ đến doanh nghiệp, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh để đem lại lợi ích tốt nhất, hiệu quả nhất cho nhà nước và doanh nghiệp.

PV: Có nhận định cho rằng, đừng quá kỳ vọng nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ tại Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?

Ông Nguyễn Phú Cường: Nhận định này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn đúng cho tất cả các quốc gia. Nhận định cũng không phải đúng cho 1 doanh nghiệp mà đúng cho tất cả các doanh nghiệp.

Việc đầu tiên khi nhìn cách mạng công nghiệp 4.0 là phải biết đánh giá, nhận định để từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn nhất, điều quan trọng hơn cả là phù hợp với “túi tiền” của mỗi quốc gia cũng như từng doanh nghiệp.

Khi đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp mới, nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức sẽ rất nguy hiểm. Mỗi quốc gia hay từng doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị tốt, chỉ ngồi kỳ vọng thì chắc chắn sẽ chỉ đón nhận thất bại.

PV: Trong trường hợp vận dụng thành công cách mạng 4.0, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị cuốn theo trào lưu của các nền kinh tế lớn khác. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Cường: Người Việt Nam có câu nói “gieo gì gặt nấy”, muốn có được kết quả tốt thì phải trả giá bằng trí tuệ, sức lao động, phân tích vấn đề một cách khoa học.

Còn với lo lắng Việt Nam bị cuốn theo các các nền kinh tế, tôi cho rằng với xu thế kinh tế mở, toàn cầu hóa hiện nay, việc tách rời khỏi chuỗi này là không thể.

Cho nên các chuyên gia nhìn nhận nhiều khía cạnh về 4.0 là điều rất tốt, bởi vì nếu không nhìn sâu để phân tích mặt thuận lợi và khó khăn thì rất khó hình dung phản ứng của chúng ta trước cơn lốc 4.0 sẽ như thế nào?

Nếu chúng ta “lật” được hết các khía cạnh để đánh giá, nhìn nhận thì con đường đưa cách mạng công nghiệp 4.0 đến thành công cũng sẽ gần hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức kiêm Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Đức:

“Để tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tạo ra động lực cho doanh nghiệp, cụ thể là mang đến các điều kiện thuận lợi cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp có thể tự tin tham gia cuộc cách mạng này. Kết nối, trao đổi và chuyển giao công nghệ sẽ là phương pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0”./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên