MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi ngành ngân hàng thế giới như thế nào?

25-11-2018 - 07:32 AM | Tài chính quốc tế

Việc áp dụng công nghệ Big Data và AI giúp một số ngân hàng giảm thời gian thẩm định khách hàng từ nhiều ngày xuống chỉ còn vài phút.

Cụm từ "ngân hàng" (bank) xuất phát từ tiếng Ý là "banco", có nghĩa là "chiếc ghế băng dài". Nguồn gốc của từ này là để chỉ hoạt động của những nhà buôn bán tiền tệ tại các cảng ở Genoa, Venice và Naples thường ngồi trên một chiếc ghế băng dài gần cảng hay chợ để cấp vốn cho những thương gia và những người kinh doanh. Đó là khi mà hoạt động ngân hàng bắt đầu manh nha.

Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập hay bất kỳ xã hội cổ đại nào có các hoạt động giao thương, các nhà ngân hàng cũng xuất hiện và hoạt động theo cùng một cách. Qua thời gian dài, các ngân hàng thương mại trở thành trung gian nhận tiền gửi, cho vay và cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng là cá nhân hay doanh nghiệp. Trong bất kỳ nền kinh tế nào, các ngân hàng luôn có vị thế vững chắc so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc Khủng hoảng tài chính 2008 tới nay, các ngân hàng thương mại cổ điển dường như đang gặp phải khó khăn để tiếp tục tăng trưởng. Theo số liệu McKinsey, ROE của 1000 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thế giới đã giảm từ 17 – 18% năm 2007 xuống còn 8 – 9% vào năm 2017, tăng trưởng doanh thu hàng năm bình quân 5 năm qua chỉ là 2% so với mức 5 – 6% của giai đoạn trước.

Sự suy giảm tăng trưởng của các ngân hàng truyền thống đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, xu hướng phát triển mạnh mẽ của các thành tựu công nghệ trong hơn một thập kỷ trở lại đây cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng của nó ra nhiều ngành nghề, bao gồm ngành tài chính ngân hàng. Hầu hết nghiên cứu của các tổ chức tư vấn lớn trên thế giới về tác động của cuộc cách mạnh 4.0 đều chỉ ra rằng, tài chính ngân hàng là một trong những ngành chịu nhiều tác động sâu rộng nhất của các đột phá công nghệ trong thời đại này.

Vị thế của khách hàng đã thay đổi

Trong suốt nhiều thế kỷ, ngân hàng được biết đến với các tòa nhà đồ sộ, kín đáo và những các bước thủ tục phê duyệt phức tạp mà người vay tiền cần phải trải qua để có được một khoản vay. Cùng với hàng tá thủ tục phiền hà, cán bộ ngân hàng luôn yêu cầu các khoản vay cần có tài sản bảo đảm với giá trị thường lớn hơn đáng kể so với giá trị khoản vay và được định giá bởi các cơ quan độc lập. Ở giai đoạn này, dù là khách hàng có nhu cầu vay tiền, gửi tiền hay sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào khác từ ngân hàng, họ cũng phải tìm đến các chi nhánh và chờ đợi được ngân hàng đáp ứng nhu cầu như một sự ban ơn. Đây là giai đoạn Bank 1.0.

Khoảng thế kỷ trước, ngân hàng nhận ra mình không phải là người duy nhất để khách hàng có thể cho vay, nhận tiền gửi và cung cấp dịch vụ thanh toán. Các bên cho vay khác xuất hiện như công ty tài chính, cửa hàng cầm đồ hay các bên trung gian kết nối người cho vay với người vay tiền. Khách hàng cũng có thể đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ thay cho gửi tiết kiệm. Dịch vụ thanh toán cũng được cung cấp bởi nhiều công ty trung gian sử dụng công nghệ hiện đại. Khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn, nhu cầu của họ cũng tăng lên. Điều này khiến cho ngân hàng buộc phải thay đổi mình. Họ tích cực mở rộng mạng lưới chi nhánh, quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới và chủ động tiếp cận khách hàng. Tuy vậy, trong giai đoạn Bank 2.0 này, khách hàng vẫn thường phải tới chi nhánh ngân hàng để được thỏa mãn nhu cầu của mình.

Hiện nay, các tiến bộ vượt bậc của công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cùng những thành tựu khoa học kỹ thuật khác của cuộc cách mạng 4.0 đang thay đổi một cách căn bản các hoạt động cốt lõi của ngân hàng. Sự phổ biến của điện thoại thông minh, mạng internet đã giúp các ngân hàng tích hợp phần lớn dịch vụ của mình trên các thiết bị di động thay vì yêu cầu khách hàng phải đích thân tới chi nhánh. Đây là đặc trưng quan trọng nhất của giai đoạn Bank 3.0, theo mô tả của Brett King trong cuốn sách cùng tên rất nổi tiếng của mình. Trong giai đoạn này, ngân hàng thực sự coi khách hàng là trung tâm định hướng cho các hoạt động của mình. Và ngân hàng thực sự là một loại hành động để thực hiện, chứ không phải là một nơi chốn cụ thể.

AI và Big Data thay đổi cách thức vận hành một ngân hàng

Trước kia, quá trình thẩm định khách hàng được thực hiện một cách thủ công, qua nhiều bước và tốn kém thời gian. Các hồ sơ vay vốn hoặc khoản thanh toán từ khi đệ trình tới khi được phê duyệt có thể phải trải qua nhiều cuộc họp kéo dài trong nhiều ngày. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ lưu trữ và phân tích dữ liệu, ngân hàng có thể nhanh chóng so sánh, đánh giá tín dụng đối với khách hàng. Việc áp dụng công nghệ Big Data và AI giúp một số ngân hàng giảm thời gian thẩm định khách hàng từ nhiều ngày xuống chỉ còn vài phút.

Mạng lưới dữ liệu liên kết và công nghệ nhận diện danh tích khách hàng thông qua các trang mạng xã hội thậm chí còn có thể giúp ngân hàng xác định được khách hàng đang ở đâu, làm gì và có các mối quan hệ nào. Điều này giúp quá trình quản lý sau giải ngân trở nên hiệu quả hơn. Các ngân hàng cũng áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để lựa chọn vị trí thuận lợi nhất khi mở chi nhánh mới.

Sự tiến hóa của tiền tệ

Bitcoin là cú shock làm thay đổi hoàn toàn khái niệm về tiền tệ và đe dọa sự tồn tại của các ngân hàng trung ương. Mặc dù hiện tại giá Bitcoin cũng như các loại tiền mật mã khác đang sụt giảm mạnh so với mức đỉnh tạo lập được hồi đầu năm 2018, nhưng ý tưởng về Bitcoin đã giúp hiện thực hóa lý thuyết về một hệ thống tiền tệ phi tập trung mà nhà kinh tế học nổi tiếng Hayek từng đề xuất trong thế kỷ trước.

Tiền tệ bắt đầu xuất hiện từ thời cổ đại trong các khu vực dân cư nhỏ dưới dạng đồ vật như vỏ sò, lá cây,… Khi nền giao thương trong các quốc gia phát triển, tiền tệ được đồng nhất bằng kim loại có giá trị như vàng, bạc. Tiền giấy và tài khoản ngân hàng xuất hiện khi quy mô của nền kinh tế và giá trị của các giao dịch tăng lên nhanh chóng bởi lúc này, việc sử dụng tiền xu kim loại trở nên tốn kém nguồn lực và nguy hiểm. Đó là lúc các ngân hàng xuất hiện và hoạt động như các trung gian thanh toán và quản lý tài khoản của các bên tham gia giao dịch. Trong tất cả các giai đoạn phát triển của tiền tệ nêu trên, tiền luôn được phát hành và quản lý bởi ngân hàng trung ương thông qua hệ thống phân phối là các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, với ý tưởng về Bitcoin, chúng ta đang ở một bước ngoặt lịch sử phát triển tiền tệ. Các đồng tiền phi tập trung được kiểm soát bởi chính những người tham gia giao dịch mà không thông qua trung gian. Quy mô nguồn cung tiền cũng tự động tăng lên theo quy mô các giao dịch trong nền kinh tế. Khi đó, các ngân hàng trung ương, thậm chí là các ngân hàng thương mại với vai trò trung gian thanh toán bù trừ sẽ không còn cần thiết. Đó là quan ngại của bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, trong Hội nghị về Fintech tổ chức tại Singapore hồi giữa tháng 11/2018.

Rõ ràng, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc ngành tài chính nói chung cũng như các ngân hàng thương mại nói riêng. Trước yêu cầu cấp bách, một số ngân hàng đã chấp nhận thay đổi và tìm kiếm cách thức phù hợp để theo kịp xu hướng. Những ngân hàng tin rằng các bản chất cổ điển của ngân hàng vẫn chưa bị tác động rất có thể phải chịu hậu quả chưa thể lường trước được trong tương lai gần.

Quang Huân

Tổng hợp

Trở lên trên