Cách nào hạ giá vé máy bay?
Trong khi lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, các loại thuế phí trong cơ cấu giá vé máy bay “không đáng mấy xu” thì Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, chi phí từ những khoản thu do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định tác động không lớn. Vậy, những loại thuế phí nào đang đè nặng giá vé máy bay?
- 26-05-2024Giá vé máy bay giảm gần 50%, khách háo hức tìm tour du lịch trong nước
- 23-05-2024Vé máy bay nội địa tăng trong khung giá: Điều đó không sai, nhưng...
- 23-05-2024Vé máy bay hè còn nhiều mức giá
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thuế, phí trong cơ cấu giá vé máy bay rất ít. Các loại phí mà dư luận đề cập chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí thuê sân đỗ máy bay… do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu và Bộ GTVT quản lý.
Thực tế, chia sẻ này của Bộ trưởng Tài chính mới nhìn ở góc độ các loại thuế, phí cấu thành giá vé máy bay. Theo đó, hiện tại, giá vé máy bay được cấu thành bởi 4 yếu tố gồm: Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa; thuế giá trị gia tăng (VAT); các khoản thu hộ DN cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm theo nhu cầu (chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch... do hãng quyết định).
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, giá vé máy bay cao không phải do giá dịch vụ hàng không cao. Theo đó, cơ cấu chi phí cho một chuyến bay gồm các yếu tố như: Nhiên liệu hàng không chiếm (37- 42%); thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỷ trọng từ 7,7 - 8,7% tổng chi phí một chuyến bay.
Cùng với đó, chi phí thuê, mua, sửa chữa bảo dưỡng máy bay chiếm 32 - 41%; chi phí phục vụ chuyến bay chiếm 6 - 7% (bao gồm cả dịch vụ do Bộ GTVT định giá và dịch vụ do doanh nghiệp quyết định). Cuối cùng là chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác (16 - 19%)… do doanh nghiệp quản trị.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4, biến động chi phí tác động làm tăng chi phí một chuyến bay của Vietnam Airlines lên 5,5%; Vietjet Air tăng lên 6,5% so với giai đoạn cùng kỳ so với năm ngoái. Trong đó, các yếu tố tác động làm tăng chi phí lớn nhất là chi phí nhiên liệu bay, chi phí bảo dưỡng, đại tu máy bay; sau đó là các chi phí bán hàng, chi phí tài chính… Chi phí phục vụ chuyến bay (phục vụ mặt đất, điều hành bay…) chỉ tác động làm tăng 0,2% chi phí một chuyến bay.
“Biến động tăng chi phí một chuyến bay chủ yếu đến từ nguyên nhân khách quan như giá nhiên liệu tăng, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay và hầu như không có nguyên nhân từ chi phí phục vụ chuyến bay như phục vụ mặt đất, điều hành bay…”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Lãnh đạo đơn vị này cho rằng, cơ quan Nhà nước có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua việc giảm chi phí liên quan. Cụ thể, có thể giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, VAT (đang chiếm 7,7 - 8,7% tổng chi phí một chuyến bay).
Lãnh đạo một hãng hàng không đồng quan điểm, trong cơ cấu vé máy bay hiện nay có các loại thuế do Nhà nước quản lý (lớn nhất là thuế nhập khẩu xăng dầu đối với các chuyến bay nội địa 7%). Điều đáng nói là, nếu bay quốc tế các hãng không phải đóng thuế nhập khẩu xăng dầu.
“Chi phí cho một chuyến bay tăng chủ yếu đến từ nguyên nhân khách quan như giá nhiên liệu, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay và hầu như không có nguyên nhân đến từ chi phí phục vụ chuyến bay gồm phục vụ mặt đất, điều hành bay…”
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam
Cụ thể, hãng hàng không sử dụng nhiên liệu bay đang chịu thuế bảo vệ môi trường với mức sàn 1.000 đồng/lít và thuế nhập khẩu (với thuế suất 0 - 7%, tùy vào nguồn nhập khẩu).
Theo tính toán, một máy bay Airbus A321 (loại máy bay các hãng thường sử dụng) chặng TPHCM - Hà Nội có chi phí nhiên liệu là 142 triệu đồng/chặng. Trung bình một chặng bay tiêu thụ 5,9 tấn nhiên liệu, tương ứng với thuế bảo vệ môi trường 7,4 triệu đồng và thuế nhập khẩu 0 - 8,5 triệu đồng. Với tỷ lệ lấp đầy khách trên chuyến bay đạt 85%, chi phí hai loại thuế nói trên tương ứng mỗi khách trả 50.000 - 100.000 đồng tùy mức thuế nhập khẩu.
Cần có sự chia sẻ
Một trong những băn khoăn của hành khách là giá vé máy bay đang phải chi trả nhiều khoản thuế, phí chưa rõ. Kết quả thanh, kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam vừa qua cho thấy, trong việc thể hiện thông tin về giá vé trên trang thông tin, các hãng chưa thể hiện đồng nhất và có nội dung khoản thu dễ gây hiểu lầm về cách gọi, đặt tên, dẫn đến hành khách không nắm rõ chi tiết về các khoản phải trả trong tổng giá vé phải thanh toán.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa bao gồm giá vé cơ bản và các khoản thu được thể hiện dưới các tên như quản trị hệ thống, dịch vụ hệ thống… với mức từ 430.000- 480.000 đồng/vé, cùng với đó là khoản thu xuất vé từ 50.000-100.000 đồng/vé.
Tổng các khoản thu này phải bảo đảm không vượt mức giá tối đa theo quy định của Bộ GTVT tại Thông tư số 17/2019 và Thông tư số 34/2023. Theo quy định tại Thông tư số 53/2019, có tới 16 loại phí mà hãng hàng không phải trả cho các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, thuộc danh mục do Bộ GTVT định giá (như dịch vụ điều hành bay đi - đến, dịch vụ thuê sân đậu tàu bay, dịch vụ thuê quầy thủ tục hành khách…).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các chi phí này chiếm tỷ trọng khoảng 3-5% giá dịch vụ vận chuyển hành khách được quy định tại Thông tư số 53. Trên thực tế các chi phí này được duy trì ổn định trong thời gian dài và chưa có sự điều chỉnh tăng giá.
Trong khi đó, gần 20 loại phí dịch vụ mặt đất chủ yếu từ các DN mặt đất, các nhà cung cấp cũng chịu một mức nhất định theo quy định của Bộ GTVT.
Đại diện một hãng hàng không cho rằng, phần này các hãng thu hộ cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý hơn 20 cảng hàng không trên cả nước. Dù trong dịch COVID-19, tình hình các hãng rất khó khăn vẫn phải đảm bảo. Do đó, để góp phần hỗ trợ hãng giảm bớt chi phí, các đơn vị dịch vụ cần có sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ lẫn nhau với các DN hàng không.
Tiền phong