MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách nào ngăn bùng nổ lạm phát

Cách nào ngăn bùng nổ lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê và các chuyên gia nhận định, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm vẫn rất lớn. Chính phủ cần có giải pháp phù hợp trong điều hành chính sách giá và chính sách tiền tệ để ngăn nguy cơ lạm phát bùng trở lại.

Giá nguyên, nhiên liệu "đe dọa" CPI

Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nguyên nhân chủ yếu kéo CPI 6 tháng đầu năm tăng do giá xăng dầu trong nước tăng tổng cộng 10 đợt với mức tăng 4.440 đồng/lít với xăng RON95 và 4.250 đồng/lít với xăng E5RON92 và 3.740 đồng/lít với dầu diezen. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đầu năm tăng 17,01%, làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm. Giá xăng dầu liên tiếp tăng có thể kéo theo sự tăng giá của nhiều ngành hàng, mặt hàng sản xuất. Cùng với đó, giá bán lẻ gas trong nước tăng 4 đợt, giá dịch vụ giáo dục 6 tháng tăng 4,47% khiến CPI tăng dần kể từ đầu năm.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đánh giá, CPI 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47%, thấp nhất so với cùng kỳ kể từ 2016 đến nay. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu khoảng 4% theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, Việt Nam không nên chủ quan vì CPI đang có xu hướng tăng dần. Cụ thể CPI tháng 1/2021 giảm 0,97% nhưng tính chung quý I/2021 đã tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước và quý II tiếp tục tăng 2,67% so với quý II năm 2020.

"Áp lực lạm phát sẽ theo xu hướng tăng dần cho đến cuối năm 2021, nhất là trong bối cảnh, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới cũng như giá sản xuất trong nước đang tăng cao. Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng hơn 4,7%, đây là mức tăng của 6 tháng cao nhất kể từ năm 2013, tạo áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm", bà Oanh cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, ngoài áp lực từ chỉ số giá nguyên, nhiên liệu hàng hóa tăng cao, nhiều yếu tố đang tác động lên lạm phát nửa cuối năm 2021. Cùng với đó, lãi suất tiết kiệm giảm khiến tốc độ tăng huy động thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tạo sức ép tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, dù lạm phát đang được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng nổ lạm phát là khó tránh khỏi trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô tích cực nhưng chỉ số giá nguyên vật liệu tiêu dùng cho sản xuất tăng, dù chưa tác động tới lạm phát hiện tại nhưng ẩn chứa nguy cơ ảnh hưởng CPI cũng như chỉ số lạm phát trong những tháng cuối năm, thậm chí những năm tới. Tỷ lệ nhập siêu một phần do Việt Nam nhập nhiều nguyên, nhiên vật liệu nhưng một phần nguyên nhân từ tỷ giá thương mại của đồng Việt Nam có mức kém thuận lợi hơn so với trước, ảnh hưởng đến tính thuận lợi và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Kiến nghị đưa thêm mặt hàng vào diện bình ổn giá

Để giảm áp lực lạm phát năm 2021 và kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, Tổng cục Thống kê kiến nghị bộ, ngành, địa phương chủ động có giải pháp đảm bảo cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu thời gian qua có diễn biến nhanh, giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm đã đạt 65 USD/ 1 thùng, tăng 29,5% so với tháng 1/2020, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), trước mắt, dịch bệnh COVID-19 là yếu tố chủ đạo góp phần kiềm chế lạm phát. Việc kiểm soát lạm phát còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng như của các quốc gia phát triển, vì tác động đến giá hàng hóa cơ bản trên thế giới. "Những năm gần đây, chính sách tiền tệ của Việt Nam được hoạch định tương đối thận trọng, nên lạm phát cao như giai đoạn 2007-2011 có thể loại trừ. Tuy nhiên, với mức tăng cung tiền luôn cao hơn so với GDP danh nghĩa, việc lạm phát vượt mức 4% vào một thời điểm nào đó là hoàn toàn có thể xảy ra", TS Nguyễn Đức Độ cho biết.

Bà Nguyễn Thu Oanh nhận định, nếu bình quân 6 tháng cuối năm, giá dầu ở mức 75 USD/ thùng, cả năm 2021, giá dầu sẽ tăng 70% so với 2020. Vì vậy, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Thống kê kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới tăng cao, gây áp lực rất lớn đến mặt bằng giá cả trong nước, Tổng cục Thống kê đề nghị bổ sung thêm một số mặt hàng vào diện bình ổn giá. Trước thực tế giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng mạnh, Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) đề xuất kiểm soát và bình ổn giá TĂCN cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Theo đề xuất này, cơ quan chức năng khẩn trương rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến TĂCN và TĂCN; khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia thị trường sản xuất TĂCN để giảm độc quyền và hành động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên