Cách nào phân tán rủi ro?
TS. Châu Đình Linh
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay, việc chọn kênh đầu tư nào trong nửa cuối năm để vừa an toàn, vừa tối đa hóa lợi nhuận không phải là việc dễ dàng.
-
Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm
-
quyết định sửa thông tư 43 của NHNN là rất cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính.
Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với TS.Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, lượng tiền gửi dân cư chỉ tăng thêm 120.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 và chưa bằng 1/2 so với 4 tháng đầu năm 2019. Ông nhận xét gì về diễn biến này?
Đúng là trên thực tế, chúng ta đều có thể thấy rõ là một lượng giá trị tiền gửi đang rút ra khỏi ngân hàng, nhưng cũng phải nói thêm rằng hiện tượng này thường xảy ra ở những ngân hàng quy mô nhỏ. Dòng tiền rút ra được chuyển đổi sang những hình thức khác với mong muốn tạo ra sinh lời cao hơn cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng nhà đầu tư chưa nghĩ nhiều tới hoạt động đầu tư lâu dài mà thường có xu hướng muốn thu lời trong ngắn hạn. Nên việc dòng tiền chuyển ra khỏi ngân hàng là có, song nếu nhìn nhận đó có phải là xu hướng không thì theo tôi là không.
Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn là do tác động từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giảm cầu tín dụng. Tiết kiệm là trì hoãn tiêu dùng ở hiện tại để tiếp tục tiêu dùng ở tương lai. Tiền gửi là kênh đầu tư tích luỹ, mà đã là tích luỹ thì sẽ theo xu hướng tăng, đó là nguyên tắc của thị trường đầu tư.
Bởi vậy nếu thời gian tới dịch được kiểm soát tốt thì chắc chắn tiền gửi ngân hàng cũng sẽ khởi sắc hơn, bởi tiền gửi ngân hàng lâu nay vốn vẫn là kênh đầu tư truyền thống và an toàn.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về chứng khoán, bất động sản và một số kênh khác?
Theo quan điểm của tôi, cổ phiếu là kênh từ đầu năm tới giờ hút nhiều vốn nhất. Hiện bây giờ chứng khoán vẫn là xu hướng tăng, và chưa có dấu hiệu đảo chiều nên dòng tiền vẫn đang ở đây. Bên cạnh đó, trái phiếu cũng là kênh đang khá hấp dẫn. Có những cá nhân đã bỏ một lượng vốn rất lớn để mua luôn giá trị mở bán của trái phiếu ngân hàng, đây là kênh cho thấy rằng có thể cạnh tranh trực tiếp với tiền gửi ngân hàng, nhưng sẽ sinh lời cao hơn. So với cổ phiếu thì trái phiếu không sôi động bằng vì tỷ suất sinh lời và hình thức giao dịch là OTC
Còn về chứng chỉ quỹ, thống kê giá trị ròng về tài sản tăng tương đối cao đồng nghĩa việc chứng chỉ quỹ được phát hành ra sẽ rất tốt, hút lượng vốn từ những nhà đầu tư, tỷ suất sinh lời không hấp dẫn bằng bằng đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu nhưng nếu xét về rủi ro thì giảm bớt cho mình, đem lại tỷ suất sinh lời ổn định.
Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
Với bất động sản, nếu dịch bệnh kiểm soát tốt thì thị trường này sẽ có bứt phá. Những phân khúc mà người Việt mình ưa chuộng thường là đất nền, sau đó đất công nghiệp (đất xung quanh khu công nghiệp hay đất ngay chính khu công nghiệp), và căn hộ. Nhưng căn hộ hiện nay dư địa phát triển dự án không nhiều so với loại hình đầu tư kia. Condotel vẫn rất khó khăn bởi lúc này cũng chưa biết du lịch phục hồi khi nào và tới đâu. Tựu chung, bất động sản vẫn là một kênh hấp dẫn. Nhà đầu tư bất động sản thường đến từ những thành phố lớn, trong đó là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...
Trong khi một số kênh khác như ngoại tệ, vàng… cũng không có nhiều hấp dẫn. Ngoại tệ để phục vụ giao dịch giao ngay, giao dịch phòng vệ rủi ro khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu thôi chứ không phải một kênh đầu tư như thời gian trước nữa. Vàng cũng là một dạng tích luỹ, tài sản dự trữ, không phải là kênh đầu tư hấp dẫn vì rất khó đoán định được diễn biến giá vàng.
Nếu vậy, làm sao để lựa được kênh đầu tư hiệu quả mà hạn chế rủi ro?
Nhà đầu tư trước hết phải xác định được tổng quỹ đầu tư của mình, hay nói cách khác là xác định khoản tiền mình có là bao nhiêu. Sau đó mới xét đến mục đích đầu tư, rủi ro cho phép chấp nhận, phân bổ danh mục đầu tư vào những tài sản khác nhau.
Tất nhiên, khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư là không giống nhau: e ngại rủi ro thì lựa chọn kênh đầu tư mang tính an toàn cao hơn; với những nhà đầu tư mạo hiểm, mong muốn có tỷ suất sinh lời cao thì chấp nhận kênh đầu tư rủi ro cao hơn. Hoặc cũng có những nhà đầu tư hài hoà giữa cả hai yếu tố, đa dạng hoá để phân tán rủi ro, nôm na là "bỏ trứng vào nhiều giỏ".
Tâm lý và lựa chọn đầu tư còn liên quan đến yếu tố về giới nữa: thông thường phụ nữ - những người "tay hòm chìa khoá" trong gia đình sẽ có xu hướng "ăn chắc mặc bền", chọn kênh đầu tư an toàn hơn như gửi tiết kiệm, dù có thể lãi suất không lớn.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng