MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách nào thu phí ô tô vào nội đô?

14-10-2022 - 09:30 AM | Thị trường

Giải pháp thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm nhằm hạn chế kẹt xe. Trong ảnh: dòng xe cộ nối đuôi nhau kẹt cứng trên đường Nguyễn Trãi hướng về trung tâm TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Giải pháp thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm nhằm hạn chế kẹt xe. Trong ảnh: dòng xe cộ nối đuôi nhau kẹt cứng trên đường Nguyễn Trãi hướng về trung tâm TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

UBND TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện đề án 'thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường'.

Sau khi hoàn thiện việc lấy ý kiến, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP "vào thời điểm thích hợp". Vậy cả hai TP lớn này tính toán việc thu phí ra sao để không gây phiền hà cho người dân, đạt hiệu quả? Tuổi Trẻ đăng một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.

TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông): Nên tích hợp vào thẻ ETC

Đề xuất mã định danh riêng gắn với thẻ, tài khoản thanh toán để thu phí của chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra theo tôi có thể hiểu gần giống với việc dán thẻ ETC cho phương tiện đi vào các đường cao tốc đang thực hiện.

Theo đó nếu áp dụng với thu phí nội đô thì các xe sẽ phải có thiết bị thu phí ở trong xe có thể là thẻ dán, tài khoản và khoản tiền nộp trước. Khi các xe đi vào thì hệ thống sẽ tự động trừ tiền và quản lý thời gian các xe lưu thông ở đó. Việc áp dụng công nghệ này sẽ rất thuận tiện và không cần lập trạm, chỉ cần các giàn theo dõi để thu phí.

Hiện nay ô tô dán thẻ ETC đã rất phổ biến nên nếu thực hiện việc thu phí vào nội đô thì nên tích hợp vào chung thẻ ETC luôn chứ không nên dán thêm một thẻ khác. Bởi dán thêm sẽ gây ra nhiều phiền phức cho người dân, doanh nghiệp. Khi tích hợp vào thẻ ETC thì hệ thống thu phí sẽ kết nối với hệ thống của các doanh nghiệp được giao thu phí.

Ông Nguyễn Văn Quyền (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam): Giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại

Để triển khai thu phí sẽ không đơn giản và phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó... Trong đó tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó. Nguyên tắc là phải có lựa chọn thay thế.

Chẳng hạn với hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Song thực tế hiện nay giao thông công cộng của Hà Nội hay TP.HCM năng lực còn hạn chế.

Cách nào thu phí ô tô vào nội đô? - Ảnh 1.

TP.HCM hiện đang quản lý 8,6 triệu xe, trong đó có khoảng 838.400 ô tô, còn lại là xe máy - Ảnh: ĐỨC PHÚ

TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông vận tải): Cần cân nhắc kỹ mức phí

Việc thu phí xe vào nội đô có mục tiêu sử dụng công cụ kinh tế để điều tiết hành vi giao thông theo hướng không khuyến khích sử dụng xe cơ giới cá nhân vào khu vực có mật độ giao thông cao, góp phần giảm ùn tắc giao thông mà nhiều nước đã thực hiện.

Về mức phí phải được cân nhắc vì nếu quá thấp thì tỉ lệ ô tô cá nhân giảm không đáng kể, không tác động đến giảm ùn tắc, nếu thu quá cao tuy mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông nhưng ảnh hưởng đến đời sống và hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông trong vùng thu phí. Đồng thời có thể khó bù đắp kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí.

Anh Lê Văn Quy (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): Giao thông công cộng tốt, chẳng ai muốn đi xe cá nhân

Thực tế chúng tôi cũng không muốn đi ô tô ra đường nhiều làm gì vì vừa tắc đường, vừa tốn kém đủ loại chi phí từ phí. Nhưng với hệ thống giao thông công cộng hiện nay của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Việc kết nối còn khó khăn, bất tiện, xe buýt cũng đông đúc. Do đó tôi mong rằng thay vì thu phí thì TP cần tập trung phát triển giao thông công cộng cho tốt. Khi giao thông công cộng tốt, tiện lợi thì chẳng ai muốn đi xe cá nhân làm gì.

Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM): Cần thống nhất công nghệ

Đối với công nghệ thu phí, hiện nay cả nước có khoảng 4,8 triệu ô tô. Thời gian qua, chúng ta đang triển khai thu phí không dừng (ETC) và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 80 - 90% số lượng xe dán thẻ theo yêu cầu của Chính phủ.

Do vậy, đối với các dự án thu phí tới đây như thu phí cổng sân bay, thu phí ô tô vào trung tâm TP hoặc thu phí đậu xe hơi ở lòng lề đường tại trung tâm cần phải thống nhất công nghệ, tài khoản thanh toán. Việc này tránh chuyện người dân có một cái xe mà phải dán nhiều thẻ, trả phí mỗi nơi mỗi kiểu rất lãng phí và tốn thời gian.

Ngoài ra, khi tiến hành đấu thầu hệ thống thu phí, cần yêu cầu các nhà đầu tư nâng cấp công nghệ ngay từ ban đầu. Ở nước ngoài, hệ thống thu phí của người ta không cần lập trạm hay barie, mà chỉ cần có giá long môn treo thiết bị. Các tài xế không cần phải dừng lại hay chạy chậm để đóng phí. Công nghệ phải nâng cấp như thế mới giảm được ùn tắc.

TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế ở TP.HCM): Lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện

Hiện nay, mỗi ô tô muốn lăn bánh đã phải tốn nhiều loại phí. Vì vậy, TP nên khảo sát ý kiến của người dân trước khi thực hiện việc thu phí ô tô vào trung tâm và áp dụng có lộ trình dần dần, nguồn thu sử dụng ra sao? Phương án hợp lý nhất là đầu tư vào hạ tầng, giao thông công cộng.

Về mặt công nghệ để thu phí, ở Singapore, người dân dùng một thẻ cho tất cả dịch vụ công cộng rất tiện lợi. Do đó, các đơn vị nên tập trung nghiên cứu khắc phục những sai sót còn tồn tại của thẻ ETC. Về lâu dài, tính toán tích hợp toàn bộ vào đó cả phí đậu xe, nộp phạt nguội... Như vậy Nhà nước dễ quản lý, người dân dễ sử dụng.

Theo Thành Chung - Đức Phú ghi

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên