MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách thức công ty thẩm định giá tiếp tay cho Trương Mỹ Lan rút ruột SCB hơn 1 triệu tỷ đồng

08-03-2024 - 13:05 PM | Doanh nghiệp

Trong vụ án vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, hàng loạt công ty thẩm định giá được sử dụng như công cụ để bà Trương Mỹ Lan rút tiền từ Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty thẩm định giá lại cho rằng, do tình hình kinh doanh khó khăn, không biết mục đích mà SCB sử dụng chứng thư này, chỉ nghĩ là để định giá tài sản hằng năm nên mới tiếp tay.

Ghi lùi ngày

Sáng 8/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan bắt đầu ngày làm việc thứ tư với phần xét hỏi bị cáo Trần Văn Nhị - Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ATC.

Do có mối quan hệ quen biết từ trước nên Trần Văn Nhị - Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ATC được Trần Thị Mỹ Dung - Phó tổng Giám đốc SCB nhờ tìm kiếm các công ty thẩm định giá để thẩm định giá tài sản đảm bảo cho ngân hàng.

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên xử ngày 8/3.

Năm 2020, Dung nhờ Nghị liên hệ với đơn vị thẩm định giá để định giá một số tài sản của Vạn Thịnh Phát. Sau đó, Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Thiên Phú để phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản. Trần Thị Kim Ngân trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của SCB từ Nhị.

Khi gửi hồ sơ cho Ngân, Nhị gửi kèm file có sẵn yêu cầu về giá trị tài sản thẩm định giá cần đạt được và ngày phát hành chứng thư là lùi ngày so với thời điểm nhận hồ sơ thẩm định giá.

Khai với HĐXX, Trần Văn Nhị cho biết, mình chỉ nhận lời giúp giới thiệu cho Dung tìm kiếm đơn vị thẩm định giá 2 dự án là Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận (quận 7, TPHCM) và dự án 100 Hùng Vương (phường 9, quận 5, TPHCM).

Trong đó, dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, Dung đề nghị thực hiện thẩm định giá, ban hành chứng thư với giá dựa trên mẫu có sẵn. Với dự án 100 Hùng Vương, Dung yêu cầu thẩm định giá theo thông số không đúng quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt.

Sau đó, Nhị liên hệ với Ngân rồi chỉ đạo nhân viên Trần Tuấn Hải thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để làm cơ sở tham khảo xác định giá trị tài sản thế chấp, vay vốn ngân hàng, nâng khống giá trị tài sản gấp nhiều lần thực tế theo yêu cầu của Trần Văn Nhị.

Cụ thể, dự án 100 Hùng Vương bị thẩm định giá sai quy hoạch đã được phê duyệt, khi vượt 15 tầng. Dự án Khu Công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở tại phường Phú Thuận bị thẩm định giá sai quy hoạch, tài sản thẩm định giá không đảm bảo pháp lý, chưa thuộc quyền tài sản của Công ty CP Tập đoàn Penninsula, không tiến hành khảo sát thực tế tài sản so sánh để đưa ra mức giá chỉ dẫn.

Dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận bị nhiều công ty thẩm định giá nâng khống giá trị.

Từ tháng 8 - 12/2020, Trần Tuấn Hải và Trần Thị Kim Ngân đã ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành gồm, chứng thư tài sản thẩm định giá dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận trị giá 151.505 ngàn tỷ đồng, chứng thư tài sản thẩm định giá là quyền sử dụng đất tại dự án 100 Hùng Vương có trị giá hơn 4.427 ngàn tỷ đồng.

SCB sử dụng 2 chứng thư trên để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền giải ngân hơn 105.656 tỷ đồng, tổng dư nợ các khoản vay này tính đến ngày 17/10/2022 là 127.384 tỷ đồng.

Trong khi, kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân đối với 2 tài sản trên chỉ hơn 17.320. đồng. Cáo trạng xác định, Trần Văn Nhị, Trần Thị Kim Ngân và Trần Tuấn Hải đã gây thiệt hại cho SCB hơn 110.064 tỷ đồng.

“Bị cáo không biết giá trị tài sản bị nâng khống, mình chỉ là người giới thiệu Ngân cho Dung. Bị cáo không can thiệp, tác động tới việc thẩm định giá. Từ lúc bị bắt tạm giam, bị rất suy sụp và ăn năn. Bị cáo đã tác động với gia đình để khắc phục hậu quả”, Nhị nói.

Bị cáo Trần Văn Nhị nói rằng, mình là lao động chính trong gia đình. Vợ bị bệnh, còn có 2 con nhỏ và phải gồng gánh kinh tế gia đình 2 bên nội ngoại nên mong HĐXX giảm nhẹ để sớm về với gia đình.

Là người ký, phát hành 2 chứng thư thẩm định giá Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, dự án 100 Hùng Vương, Trần Thị Kim Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Thiên Phú khai với HĐXX, mới chỉ nhận được 300 triệu tiền tạm ứng.

Khu đất dự án 100 Hùng Vương đang làm bãi đậu xe.

Theo bị cáo Ngân, việc nhận lời làm thẩm định giá 2 dự án cho SCB từ Nhị là để đảm bảo doanh thu cho công ty. Nhị ra giá, làm một bộ hồ sơ phí thấp nhất là 8 triệu, cao nhất là 300 triệu nhưng tiến độ rất gấp. Tuy nhiên, giá và thời gian hoàn thành phải theo yêu cầu của Nhị.

“Bị cáo không biết ai trong SCB mà chỉ làm việc với Nhị. Lúc đó, công ty rất khó khăn, bị cáo chịu nhiều áp lực, chỉ mong có tiền để trả lương nhân viên và duy trì công ty. Bị cáo không biết mục đích mà SCB sử dụng chứng thư này, chỉ nghĩ là để định giá tài sản hằng năm”, bị cáo Ngân khai.

Làm theo đặt hàng

Tương tự, Hồ Bình Minh là Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thẩm định giá MHD. Giữa năm 2020, Minh cùng Trần Khánh Du - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD thống nhất với Bùi Ngọc Sơn - nhân viên phòng Tái thẩm định SCB về việc thực hiện thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của SCB.

Minh thống nhất với Sơn về việc nâng khống giá trị tài sản tại dự án 100 Hùng Vương và dự án Khu Dân cư tại xã Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Tại dự án 100 Hùng Vương, Công ty TNHH Thẩm định giá MHD phát hành chứng thư sai quy hoạch (vượt 26 tầng) so với quy hoạch 1/2000 do UBND Quận 5 phê duyệt, nâng khống giá trị tài sản thẩm định giá hơn 14.353 tỷ đồng.

Các bị cáo trong phiên tòa sáng 8/3.

Điều này giúp SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 2 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 9.570 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 hơn 10.208 tỷ đồng.

Ngoài ra, Minh còn soạn thảo báo cáo, chứng thư thẩm định giá được nâng khống giá trị tài sản, để gửi cho Hồ Thị Mai Hoa - nhân viên Công ty Tầm Nhìn Mới in, đóng dấu, phát hành gửi lại cho Minh 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư xã Long Phước. Giá trên chứng thư hơn 7.367 tỷ đồng đồng.

Công ty Tầm Nhìn Mới còn phát hành chứng thư thẩm định giá dự án số 100 Hùng Vương với giá hơn 14.353 tỷ đồng, giúp cho SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 3 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 14.570 tỷ đồng, tổng nghĩa vụ trả nợ đến ngày 17/10/2022 là 15.523.

Hồ Bình Minh khai, vào cuối 2021, công ty gặp khó khăn do mới hết dịch COVID-19. Lúc đó, Minh gặp Sơn nói là cần định giá cho tài sản để thế chấp khoản vay tại SCB, với dự án 100 Hùng Vương và dự án Long Phước.

“Ban đầu, 100 Hùng Vương bị cáo định giá hơn 8.000 tỷ nhưng Sơn nói lên 14.000 ngàn tỷ được không, tính toán thấy được nên bị cáo đồng ý. Phí thẩm định dự án 100 Hùng Vương là 100 triệu đồng. Bị cáo thấy rủi ro nhưng nghĩ chỉ là phương án kinh doanh, không biết hồ sơ mình làm là để hợp thức hóa cho việc rút tiền nên mới nhận làm”, bị cáo Minh nói.

Tuy nhiên, cáo trạng xác định, Hồ Bình Minh đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 11.714 tỷ đồng.

Theo Duy Quang - Hoàng Thuận

Tiền phong

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên