Cách xa 400 km, phi hành gia trên trạm ISS gửi về 1 ảnh lạ: Vì sao nhiều người sửng sốt?
Phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chụp được bức ảnh về hiện tượng hiếm thấy trên vùng biển bao quanh các đảo ở Hy Lạp.
- 26-07-2022Dùng bút kích hoạt động cơ hỏng trên tàu vũ trụ, về sau phi hành gia bán với giá 46,8 tỷ đồng
- 19-05-2022Trả 55 triệu USD để lên vũ trụ, phi hành gia tỷ phú không ngờ vẫn chưa thoát kiếp làm việc cật lực
- 25-03-2022Rau diếp giúp phi hành gia cải thiện sức khoẻ trong sứ mệnh dài ngày trên sao Hoả
Theo Đài quan sát Trái Đất của NASA, một phi hành gia thuộc Đoàn thám hiểm 67 trên Trạm Vũ trụ Quốc tế gần đây đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về hiện tượng "sunglint", biến mặt biển thành một chiếc gương bạc khổng lồ xung quanh vùng biển ở Hy Lạp. Theo các chuyên gia, hiện tượng thú vị này xảy ra là do ánh sáng Mặt Trời phản chiếu trực tiếp từ mặt biển tĩnh lặng tới máy ảnh của phi hành gia.
Cụ thể, bức ảnh đặc biệt này được phi hành gia chụp bằng một máy ảnh kỹ thuật số hướng ra từ cửa sổ của Trạm Vũ trụ Quốc tế ngày 25/6. Vùng đất lớn ở trung tâm của bức ảnh là Milos, một đảo núi lửa rộng khoảng 151 km2 của Hy Lạp. Trong khi đó, vùng đất nhỏ hơn và không có người ở nằm ở phía bên trái của bức ảnh chính là Antimilos, hòn đảo rộng khoảng 8 km2.
Phi hành gia trên ISS chụp ảnh được hiện tượng biến vùng biển bao quanh các đảo ở Hy Lạp trở thành chiếc gương bạc. Ảnh: Đài quan sát Trái Đất của NASA
Vùng nước bạc bao quanh các đảo này có biển Myrtoan ở phía bắc Milos và biển Crete ở phía tây nam. Cả hai đều thuộc về biển Địa Trung Hải.
Những người quan sát bức ảnh này có thể thấy rằng những gợn sóng và xoắn trông như vết xước ở trên gương. Đây chính là những dòng hải lưu ở trên bề mặt và sâu hơn ở dưới mặt biển… Hầu hết những hiện tượng này thường sẽ không hiện rõ khi quan sát từ không gian. Thế nhưng nhờ tán xạ một số ánh sáng Mặt Trời nên những hiện tượng này trở nên dễ thấy hơn trong sunglint.Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), một trong những cấu trúc nổi bật nhất trong bức ảnh trên chính là dòng hải lưu ở bên phải tại phía đông Milos. Nó trông gần giống như một xoáy nước khổng lồ nhìn từ trên cao. Thế nhưng thay vì kéo mọi thứ xuống như xoáy nước, vòng hải lưu này lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các dòng hải lưu. Đây là yếu tố giúp luân chuyển về chất dinh dưỡng trên đại dương ở khu vực lân cận.
Ngoài ra, theo Đài quan sát Trái Đất của NASA, một đặc điểm đáng chú ý khác là có một vệt thẳng dài nằm ở phía dưới và bên trái của bức ảnh. Nhiều khả năng đây là đường rẽ nước từ một con tàu đang di chuyển với tốc độ nhanh ở trên mặt biển.
Nhưng theo các chuyên gia, cấu trúc thú vị nhất ở trong bức ảnh này được cho là tập hợp của những đường song song trông khá vô hại ở ngoài khơi bở biển phía đông bắc Antimilos. Cụ thể, những đường này phần lớn bị che khuất bởi đám mây bao quanh hòn đảo. Đó có lẽ là sóng nội – sóng lớn theo phương dọc và sau đó truyền qua nước từ bên dưới bề mặt.
Các chuyên gia cho biết, không giống với sóng trên mặt nước, sóng nội là kết quả của sóng trọng lực và chủ yếu hình thành nhờ hải lưu hoặc gió mạnh.
Khoảnh khắc ngoạn mục về nguyệt thực
Đây không phải là lần đầu tiên phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế chụp được hình ảnh ấn tượng. Trước đó, phi hành đoàn trên ISS đã chiêm ngưỡng được cảnh tượng kỳ thú khi nguyệt thực diễn ra vào đêm ngày 15 và sáng 16/5.
Cụ thể, phi hành gia Samantha Cristoforetti của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chia sẻ một số bức ảnh chụp được cảnh tượng ngoạn mục về các giai đoạn khác nhau của nguyệt thực lên trên mạng xã hội Twitter.
Phi hành gia từ trạm ISS chụp ảnh Mặt Trăng trong khi diễn ra nguyệt thực. Ảnh: ESA
Samantha Cristoforetti là một nữ phi hành gia được giao nhiệm vụ trên ISS. Cô từng chụp được rất nhiều hình ảnh tuyệt đẹp trong dịp ở trên trạm ISS vào năm 2014 và 2015.
Trạm Vũ trụ Quốc tế thường di chuyển ở phía trên Trái Đất khoảng 400 km. Trạm ISS hoàn thành một vòng quỹ đạo xoay quanh Trái Đất cứ mỗi 90 phút. Vì vậy, các phi hành gia trên trạm ISS có thể chiêm ngưỡng được hiện tượng nguyệt thực trong vài vòng bay.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần này diễn ra vào khoảng 8h32’ ngày 16/5 (theo giờ Việt Nam) khi Mặt Trăng đi vào phần sáng của bóng Trái đất, và kết thúc hơn 5 giờ sau. Đặc biệt, giai đoạn nguyệt thực toàn phần diễn ra khi Mặt Trăng bị phần tối của bóng Trái Đất che phủ hoàn toàn. Giai đoạn đặc biệt này kéo dài trong 85 phút và cũng là dài nhất trong vòng 33 năm.
Khi diễn ra nguyệt thực toàn phần, Mặt Trăng sẽ không biến mất khỏi bầu trời mà chuyển sang màu đỏ. Hiệu ứng này xảy ra do sự tán xạ ánh sáng ở trong khí quyển Trái Đất. Vì vậy hiệu ứng đặc biệt này còn gọi là "trăng máu".
Một số hình ảnh mà nữ phi hành gia Cristoforetti chụp lại cho thấy khoảnh khắc Mặt Trăng bị che tối ló ra qua các tấm pin Mặt Trời của Trạm Vũ trụ Quốc tế.
khoảnh khắc Mặt Trăng bị che tối ló ra qua các tấm pin Mặt Trời của trạm ISS. Ảnh: ESA
Nguyệt thực diễn ra vào tháng 5 chính là nguyệt thực đầu tiên của năm 2022. Hiện tượng này được quan sát tốt nhất từ châu Mỹ, Tuy nhiên, những người yêu thích thiên văn tại phía tây châu Phi và châu Âu cũng có thể theo dõi một phần.
Theo các chuyên gia, nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 8/11. Những người quan sát tại miền tây nước Mỹ, Đông Á và Úc có thể thuận lợi theo dõi hiện tượng này.
Bài viết tham khảo nguồn: Livescience, Space
Tổ quốc