MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách môi trường kinh doanh: Lo trước mắt đừng quên đường dài

Cải cách môi trường kinh doanh: Lo trước mắt đừng quên đường dài

Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, đó là Nghị quyết số 01 về thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội và Nghị quyết số 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của từng doanh nghiệp và người dân, đã giúp tăng trưởng kinh tế nước ta đạt kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lại có biểu hiện “mờ nhạt” so với những giải pháp cấp bách và kịp thời trong chống dịch năm qua. Nhìn lại 1 năm triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 02, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp kỳ vọng: Cải cách môi trường kinh doanh - Lo trước mắt, đừng quên đường dài.

Trong thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực thực hiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô năm nay tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016.

Cải cách môi trường kinh doanh: Lo trước mắt đừng quên đường dài - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp được phục hồi ở hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía nam; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 3,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 600 tỷ USD, tăng 22,3%, trong đó, 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 103,4% dự toán năm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: “Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp tài chính ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, như thực hiện miễn, giảm giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách để các doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân”.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục lại điều kiện sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Niềm tin được giữ vững khiến 11 tháng năm 2021 vẫn có hơn 146.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, chung tay cùng cả bước phục hồi và phát triển kinh tế.

Chính phủ đã có nhiều quyết sách cấp bách, nhất là Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được triển khai rất kịp thời, hiệu quả và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều dư địa tạo nguồn lực phục hồi kinh tế lại “dường như” chưa được quan tâm khai thác đúng mức trong thời gian qua.

“Chính là cải cách thể chế, thủ tục hành chính, trong các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, hải quan, vẫn còn dư địa tiếp tục cải thiện. Nguồn lực đất đai được giải tỏa, cải tổ và đẩy mạnh hơn thì thuận lợi trong phát triển thời gian tới…” - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.

Đồng thuận với ý kiến này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, ngành tài chính đi đầu trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó Covid-19, với hàng loạt các thông tư về giãn, hoãn và miễn giảm thuế, phí. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đây là giải pháp hỗ trợ hiệu quả và hấp thụ tốt nhất.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhìn nhận: “Nhóm giải pháp cải cách hành chính cần mạnh mẽ hơn, như cải cách trong lĩnh vực tài chính, cải cách dù nhỏ tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp, về thuế, hải quan kho bạc, những lĩnh vực cắt giảm thời gian thủ tục, giảm chi phí đi lại sẽ mang hiệu ứng rất lớn”.

Thực tế, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ cấp bách có tác động tích cực, thì tiến trình cải cách môi trường kinh doanh năm qua lại được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là còn “mờ nhạt”, do các bộ ngành chủ yếu cho biết là đang “tiếp tục rà soát” chứ chưa đưa ra được nhiều kết quả về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư - kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.

Thậm chí, trong công tác xây dựng thông tư hướng dẫn còn có nơi, có lúc bị đánh giá là không rõ ràng cụ thể, không hợp lý hợp pháp, không minh bạch, không tiên liệu trước được, và không hiệu quả, có thể gây khó khăn hoặc làm tăng chi phí không cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là không đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Như vừa qua, qua phản hồi của doanh nghiệp góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020.

Phải nhìn nhận rằng, trong 2 năm 2019 và 2020, nhiều bộ ngành đã thực hiện được yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa hơn 70% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Nhưng tiến trình này bị “mờ nhạt” so với các quyết sách cấp bách hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp trong năm nay. Đây là điều cần phải thay đổi, phải được chú trọng mạnh hơn trong thời gian tới, vì giải pháp này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, để tạo điều kiện phát triển kinh tế trong dài hạn./.

Theo Trung Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên