Cải cách nhỏ, niềm tin lớn: Lạc quan từ sự tận tâm của Thủ tướng
Sự tận tâm của Thủ tướng với những động thái cải cách quyết liệt đã mang lại niềm tin, sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017.
- 23-01-2017Bộ Công Thương tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính
- 14-01-2017Lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương
- 09-01-20174 nguồn để cải cách tiền lương năm 2017
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Ngiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ với PV. VietNamNet nhân dịp năm mới 2017.
Ông nói: "Việt Nam đã đi qua 2016 với những bất lợi cả nội tại bên trong lẫn khách quan bên ngoài. Như Thủ tướng nói, chúng ta gặp cả nhân tai và thiên tai. Nhưng với tôi, dù GDP không đạt mục tiêu thì những chỉ số vĩ mô của nền kinh tế 2016 có thể nói là chấp nhận được, đặc biệt là vấn đề cải cách môi trường kinh doanh. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vấn đề này.
Những thông điệp chính sách của Thủ tướng đều trúng với những điều mong mỏi của người dân như việc ông nhấn mạnh đến tự do kinh doanh, đặc biệt là an toàn pháp lý trong hoạt động kinh doanh, giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh, tăng đối thoại chính sách với doanh nghiệp. Ở mức độ nào đó, những cải cách đó đã gia tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ".
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (ảnh: Phạm Huyền)
- Những cải cách đó mới là ở giai đoạn khởi đầu. Điều quan trọng nữa là con người và bộ máy thực hiện để cải cách đi vào cuộc sống. Ông kỳ vọng gì về hiệu quả thực tế của cuộc cải cách lần này?
Những cải cách mà tôi nói ở trên đã giải toả được bức xúc lâu nay của doanh nghiệp, bước đầu đã phá đi một quan niệm và thực trạng rất xấu về sự vô cảm của quan chức, cán bộ quản lý Nhà nước trước những khó khăn của doanh nghiệp.
Hàng loạt những thay đổi tưởng là nhỏ đó nhưng lại là các vấn đề cơ bản, các nguyên tắc cơ bản của cải cách và thúc đẩy kinh tế thị trường.
Giờ đây, Chính phủ đã có chủ trương về việc doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ thì sẽ không cứu, hoặc cho phá sản, hoặc tìm giải pháp khác. Không phải như trước đây, lời thì ăn, thua lỗ báo Chính phủ xin trợ cấp. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, xin giảm thuế đều đã bị từ chối.
Tuy nhiên, các cải cách hiện nay mới ở mức rất khởi đầu, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Muốn kiến tạo để mang tới sự phát triển thì đội ngũ thực hiện, trong đó, các ông bộ trưởng là cực kỳ quan trọng.
Tôi nghĩ, các bộ trưởng cần phải luôn trăn trở hàng ngày hàng giờ về việc trong ngành mình, trong nội bộ mình, còn cái gì đang là thứ cản trở người dân, doanh nghiệp phát triển. Nếu có ai đó phản ánh điều gì thì các bộ trưởng cần phải xử lý ngay, chứ không phải chờ qua nhiều tầng nấc quy trình.
Cụ thể hơn, những chỉ đạo của Thủ tướng, những chính sách mới ban hành vừa qua cần phải được thực thi một cách triệt để, dứt khoát ngay từ đầu năm, không được chần chừ.
- Chúng ta đã vượt mức bội chi, nợ công đã sát ngưỡng an toàn... trong khi nền kinh tế quốc tế lại có nhiều yếu tố bất định. Trong một bối cảnh đầy thách thức đó, phải làm sao để vượt qua?
Bước sang 2017, chúng ta đang gặp phải những vấn đề ít tích cực so với 2016. Đó là sự thay đổi về TPP, đồng USD có thể lên giá, rồi những tác động hậu Brexit hay sự thay đổi ở quan hệ Trung- Mỹ...
Với nhiều yếu tố bất định từ bên ngoài như vậy, nền kinh tế thế giới cũng đã được dự báo vẫn phục hồi chậm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Chính vì thế, nội lực bên trong của chúng ta phải lớn, những cải cách điều hành nền kinh tế bên trong phải mạnh hơn.
Hiện nay, về mặt điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, dư địa để thúc đẩy tăng trưởng giờ không còn nhiều. Chúng ta không thể và không nên sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và tài khoá để kích thích tăng trưởng nữa, bởi mọi chỉ số kinh tế vĩ mô đều đã tới giới hạn rồi. Ví dụ, không thể tiếp tục mở chi tiêu ngân sách để tăng đầu tư, mở tín dụng một cách ép buộc,... Mọi thứ phải thuận theo thị trường.
Khu vực kinh tế tư nhân đang bắt đầu phục hồi càng không nên huy động thêm trái phiếu Chính phủ để đầu tư khi mà đầu tư công chưa được cải thiện về hiệu quả. Chúng ta cũng không còn dư địa tăng trưởng ở việc khai thác khoáng sản than, dầu...
Những khó khăn đó buộc chúng ta phải sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực và nhằm vào đó để thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu hiệu quả. Nó là cái căn cơ lâu dài và bền vững của nền kinh tế.
Nếu tận dụng được điều này thì năng lực cạnh tranh mới thực sự cải thiện. Vượt qua được giai đoạn này, qua cả thách thức, những bất ổn bên ngoài để tận dụng cơ hội, như thế sức mạnh của mình sẽ tăng lên.
Tiềm năng tăng trưởng kinh tế 2017 còn rất lớn (ảnh: Phạm Huyền)
- Vậy trên thực tế, ông đã nhìn thấy tín hiệu vận động tích cực nào từ phía bên trong?
Chúng ta có thể thấy, ngoài những cải cách môi trường kinh doanh, có thể thấy rõ ở câu chuyện sử dụng nguồn lực.
Ở lĩnh vực tài khoá và ngân sách, Chính phủ nhấn mạnh đến kỷ luật, kỷ cương tài khoá. Anh không thể chi vượt những cái không có dự toán, trong tình thế khan hiếm nguồn lực thì buộc anh phải tìm kiếm cơ hội sử dụng nguồn lực tốt nhất.
Một thông điệp lớn khác là chặn nguồn lực tiếp tục lại rót vào những nơi sử dụng kém hiệu quả. Như 12 dự án kém hiệu quả, nếu càng đổ tiền vào thì càng mất. Giờ, Chính phủ không làm vậy nữa, đã thông báo không dùng ngân sách để cứu 12 dự án này.
Chúng ta cũng cũng thấy Thủ tướng nói về việc không thể để chuyện như ở Hà Nội cứ có chỗ nào đất trống thì đổ bê tông vào, mà chỗ đó đáng ra là phải dùng cho mục đích công cộng... Với đề án tái cơ cấu DNNN, Chính phủ sẽ tập hợp những DN thua lỗ để xoá bỏ, tập hợp kiểm kê tài sản Nhà nước... để sử dụng hiệu quả.
Đó chính là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong việc phân bổ lại nguồn lực, từ đó sẽ thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế một cách thực chất.
- Dường như ông rất lạc quan về một Chính phủ kiến tạo và khởi nghiệp trong thời gian tới?
Tôi lạc quan là bởi những những chuyển động ở Chính phủ, đã bắt đầu không sử dụng chính sách vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chính sách điều hành đi vào thực chất hơn.
Tôi thấy ở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một sự tận tâm, một sự chăm chỉ, miệt mài. Ông ấy đã chỉ đạo và làm được những việc rất cụ thể, tưởng là nhỏ nhưng lại chính là những vấn đề cơ bản của kinh tế thị trường mà ta đang phải thay đổi. Và chỉ khi những đề đó mở ra thì các nút thắc còn lại trong chúng ta mới mở được.
Tuy nhiên, mọi thứ hiện nay mới là đang ở sự khởi đầu. Tôi chỉ e ngại sự trì trệ và sức ỳ của bộ máy quản lý Nhà nước rất lớn. Nếu Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng và các bộ trưởng quyết liệt trong cải cách, đồng hành với người dân và doanh nghiệp, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực thì, chắc chắn, nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng lớn.
Khi đó, GDP không phải chỉ là 6,2% hay 6,7% như kế hoạch mà có thể là tới 7-7,5%. Ngay tại thời điểm này, tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam vẫn lớn.
Vietnamnet