MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách tiền lương: Công chức 4,14 triệu, chuyên gia bứt phá

Theo đề án, mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức là 4,14 triệu, còn mức lương chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng bứt phá lên 33,4 triệu đồng.

Theo tờ trình Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, ban soạn thảo đề án đưa ra 2 phương án cụ thể.

Phương án 1 mở rộng quan hệ lương từ 1 – 2,34 – 10 như hiện nay lên 1 – 2,68 – 12 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Trong khi mức lương tương ứng hiện nay tính theo lương cơ sở được tăng lên 1,39 triệu từ 1/7 tới đây chỉ gần 2,6 triệu đồng.

Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) là 5,96 triệu đồng, tăng 27,4% so với năm 2020. Trong khi đó mức lương tương ứng với hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng.

Đáng chú ý là mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) là 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020. Trong khi, mức lương tương ứng hiện nay chỉ 13,9 triệu.

Phương án 2 tăng mạnh hơn với việc mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện hành lên 1 – 3 – 15 từ năm 2021.

Cải cách tiền lương: Công chức 4,14 triệu, chuyên gia bứt phá - Ảnh 1.

Đến năm 2021, lương công chức tối thiểu có thể là 4,14 triệu đồng


Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức vẫn tăng như phương án 1 là 4,14 triệu nhưng chuyên viên bậc 1 tăng lên 6,68 triệu (tăng 42,7% so với 2020); chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng lên 33,4 triệu đồng (tăng 67% so với 2020).

Với mức tăng này, so với mức lương hiện nay thì lương chuyên viên bậc 1 tăng hơn gấp đôi; chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng gần gấp 3.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB-XH cho rằng, việc đề án đưa ra lộ trình tăng lương từ năm 2021 là để nâng mức lương khu vực công tiệm cận với khu vực doanh nghiệp, hướng theo thị trường.

Tính toán sơ bộ mức lương thấp nhất giữa khu vực doanh nghiệp với khu vực công hiện nay chênh lệch khá nhiều. Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học mới ra trường vào khu vực nhà nước lương 2,34 nhân với lương cơ sở 1,39 triệu chỉ khoảng hơn 3,2 triệu, còn ở khu vực doanh nghiệp, con số phổ biến từ 6-8 triệu.

Mức lương này tương đương với việc điều chỉnh lương chuyên viên bậc 1 lên 6,68 triệu mà đề án đưa ra ở phương án 2.

“Như vậy có phải lương khu vực công hiện nay chỉ bằng 1/2 khu vực doanh nghiệp”, ông Huân phân tích. Theo ông, muốn năm 2021 bằng mức thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp thì lương khu vực công phải tăng lên gấp đôi so với hiện nay.

Bình luận về việc điều chỉnh mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3, hệ số 10 lên hơn 33 triệu, ông Huân tỏ ra bất ngờ: “So với bây giờ là quá đột biến!”.

Theo ông Huân, chuyên gia cao cấp bậc 3 hệ số 10 tương đương với lương của cấp bộ trưởng hiện nay cũng chỉ được mười mấy triệu.

“Đấy là một mong muốn bứt phá nhưng làm sao để sản xuất kinh doanh phát triển, dân và doanh nghiệp đóng thuế nhiều hơn, bánh ngân sách to ra thì mới có nguồn để tăng lương”, ông Huân nhấn mạnh.

“Năm 1993, khi chúng tôi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Trần Đình Hoan lúc bấy giờ chỉ ước ao đến năm 2000 lương bộ trưởng được 1.000 USD mỗi tháng (khoảng 20 triệu đồng). Đến nay đã 18 năm rồi nhưng lương bộ trưởng cũng mới được khoảng 13 triệu đồng”, ông kể.

Nguyên Thứ trưởng nhận định, lương khu vực công liên quan đến đối tượng hưởng lương và nguồn trả lương. Muốn có nguồn tăng lương, chỉ có 2 cách: một là miếng bánh ngân sách to ra, 2 là người hưởng miếng bánh ấy nhỏ lại, tức là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Nếu kết hợp cả hai điều này thì càng có điều kiện để tăng lương.

Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương công chức, viên chức vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2004.

Tính từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần.

Trong quan hệ tiền lương hiện nay, mức lương thấp nhất đối với nhân viên phục vụ bậc 1 là 1,3 triệu đồng (mức lương cơ sở), mức trung bình của cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạt 3,042 triệu đồng (hệ số 2,34) và mức cao nhất như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư cũng chỉ là 16,9 triệu đồng (hệ số 13).

Theo bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, lương Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là 16,25 triệu đồng (hệ số 12,5).


Theo Minh Thái (Tổng hợp)

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên