"Cái nôi" ngành xe dễ thua tại cuộc đua pin xe điện: Kế hoạch tốt nhưng quên một biến số
Châu Âu có thể gặp nhiều trở ngại trong kế hoạch biến mình thành ông lớn làm pin xe điện, nhất là khi không tính toán tới cung ứng nguyên liệu.
- 20-06-2023Những nơi xe điện khó phủ sóng nhất tại Trung Quốc - Xe điện giá rẻ ngang 1 chiếc SH nhưng người dân vẫn thờ ơ, đâu mới là chìa khóa?
- 19-06-2023Đây là dòng xe mini của Nhật Bản đang làm mưa làm gió trên thị trường: Kích thước vô cùng nhỏ gọn, giá chỉ từ 118 triệu đồng
- 15-06-2023Chiếc xe điện mini vừa ra mắt đã gây sốt: Kích thước tương đồng VinFast VF 5, một lần sạc đi được hơn 560 km
Theo một tài liệu mà Tòa Thẩm kế châu Âu (European Court of Auditors - ECA) công bố mới đây, châu Âu, nơi làm ra chiếc ô tô được cho là đầu tiên của thế giới, có thể sẽ không đạt được kế hoạch trở thành "ông lớn" pin xe điện toàn cầu, vì cùng với chi phí sản xuất tăng cao và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, châu Âu còn đang khó tiếp cận với các nguồn cung nguyên liệu làm pin.
Tài liệu của Tòa Thẩm kế châu Âu cũng nêu rằng Liên minh châu Âu có thể sẽ không đạt mục tiêu khí hậu, khi các biện pháp đề ra dựa phần lớn vào việc chuyển đổi giao thông sang xe điện sử dụng pin. Vấn đề đặt ra là pin của những chiếc xe này có các bộ phận chính làm từ các kim loại đang được rất nhiều nhà sản xuất săn đón, như cô ban, niken hay liti.
Theo Tòa Thẩm kế châu Âu, trong năm 2021 tại Liên minh châu Âu, cứ 5 xe đăng ký mới thì có chưa đến một chiếc là xe điện. Tuy nhiên, châu Âu cũng đã bày ra kế hoạch rất mạnh tay: Tới năm 2030 thì nhu cầu xe điện dự kiến sẽ tăng đến 30.000 triệu chiếc; sẽ cấm bán các mẫu xe sử dụng động cơ xăng và dầu từ năm 2035.
Song, các kế hoạch của châu Âu lại chưa tính toán đến năng lực đáp ứng sản xuất pin.
Bà Annemie Turtelboom, thành viên Tòa Thẩm kế châu Âu, cho biết: "Châu Âu khát khao trở thành trung khu pin xe điện của thế giới để đảm bảo chủ quyền kinh tế nhưng liệu có thành công? Tình hình có vẻ không khả quan. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ Liên minh châu Âu hoặc sẽ lỡ mục tiêu phát thải năm 2035, hoặc sẽ đạt được nhờ nhập khẩu pin... điều sẽ tác động xấu tới nền công nghiệp châu Âu và sẽ phải mua với một giá rất cao từ các quốc gia thứ 3"
Nguồn cung nguyên liệu thô làm pin cho châu Âu tập trung ở một vài quốc gia có vị thế địa chính trị mà có thể khiến việc cung ứng gặp khó khăn, gây thiếu hụt nguyên liệu. Theo Tòa Thẩm kế châu Âu, tính riêng 5 nguyên liệu chính làm pin, châu Âu phải nhập khẩu tới 78%.
Bà Annemie Turtelboom cũng cho biết: "Liên minh châu Âu phải tránh rơi vào trạng thái phụ thuộc như với khí thiên nhiên của Nga".
Trên thực tế, các thống kê cho thấy 2/3 lượng cô ban thế giới đang sử dụng tới từ Công-gô, 40% chì khai thác tự nhiên đến từ Trung Quốc, và châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn liti tinh chế nhập khẩu. Xét đến năng lực sản xuất pin toàn cầu, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 76%.
Sẽ còn rất lâu nữa châu Âu mới có thể tự mình khai thác. Bồ Đào Nha là quốc gia trong khối có trữ lượng liti lớn nhất, nhưng phải tới năm 2026 mới có thể bắt đầu khai thác.
Phụ nữ số