MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải thiện môi trường đầu tư vẫn là việc phải làm, dù có TPP hay không

27-07-2016 - 11:35 AM | Tài chính quốc tế

Trao đổi với Bloomberg hôm 22/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết dù có TPP hay không, mục tiêu hàng đầu vẫn là cải thiện môi trường đầu tư.

Dù cho TPP – hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu – có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không, chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những kế hoạch về cắt giảm thuế và loại trừ tham nhũng để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trên thị trường quốc tế.

Trao đổi với Bloomberg hôm 22/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết dù có TPP hay không, mục tiêu vẫn là cải thiện môi trường đầu tư. Với TPP, các doanh nghiệp Việt càng phải nâng cao sức cạnh tranh để đảm bảo sẽ giữ được thị phần.

Thứ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ trình bản dự thảo về giảm thuế và hỗ trợ cộng đồng startup lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong tháng tới. Bộ đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 15 – 17%, so với mức 20% hiện nay.

Kinh tế Việt Nam đang có được sự bùng nổ nhờ làn sóng đầu tư nước ngoài, chuyển mình từ một nền kinh tế mạnh về xuất khẩu nông sản (như gạo và cà phê) sang vị trí là một trung tâm sản xuất. Con đường này sẽ không bị đảo ngược kể cả khi TPP không có hiệu lực trong bối cảnh cả hai ứng viên của cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều không ủng hộ hiệp định này.

Hiệp định TPP được ký kết hồi tháng 2 nhưng chỉ có hiệu lực sau khi được Quốc hội của tất cả các nước thành viên thông qua. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước bởi nhiều nước vẫn chưa có bất kỳ động thái nào.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua TPP sẽ khá khó khăn vì các chiến dịch tranh cử của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang thiên về xu hướng chống lại toàn cầu hóa. Tổng thống đương nhiệm Obama đang kỳ vọng TPP sẽ được thông qua tại "lame - duck session" - phiên họp Quốc hội đặc biệt sau bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay, sau khi cuộc bầu cử kết thúc và trước khi Quốc hội mới ra mắt trong tháng 1. Trong thời gian này, Quốc hội vẫn làm việc nhưng với sự vắng mặt của rất nhiều thành viên bị mất ghế và cũng chưa có các thành viên mới được bầu (ngoại trừ những người được bầu lại) nên sẽ có lợi cho ông Obama.

Còn ở Việt Nam, toàn văn nội dung TPP sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp đang diễn ra.

Theo Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế của World Bank tại Việt Nam, Việt Nam được hưởng lợi từ TPP nhưng có nhiều nước khác (trong đó có Mỹ) cũng được lợi. Về Việt Nam, TPP không có hiệu lực cũng không hẳn là một rủi ro.

Theo tính toán của World Bank, sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay. Trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn FDI cam kết tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo World Bank, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với GDP sẽ tăng thêm 8% đến năm 2030.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên