Cải thiện môi trường kinh doanh: Kỳ vọng ở gói giải pháp “phi tài chính”
Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro, mức độ tổn thương lớn và có thể còn kéo dài. Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi và an toàn là gói giải pháp “phi tài chính” được doanh nghiệp kỳ vọng.
- 29-12-2021Cải cách môi trường kinh doanh: Lo trước mắt đừng quên đường dài
- 12-07-2021Chống thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
- 14-05-2021Các nhà đầu tư EU và Hàn Quốc tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam
Mức độ cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại
Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, do vậy doanh nghiệp rất trông chờ vào những cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ để dỡ bỏ rào cản, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thẳng thắn đánh giá, năm 2020 và 2021, các nhóm giải pháp của Chính phủ tập trung nhiều vào chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội,… nên nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành có xu hướng chững lại, triển khai chậm hơn.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, trên thực tế, rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh còn nhiều và khá phổ biến. Điều này làm trầm trọng thêm những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt do tác động của dịch bệnh. Đơn cử như, tình trạng không rõ ràng, chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, khác biệt trong pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường đã và đang là rào cản lớn, gây ra không chỉ khó khăn, phức tạp, tốn kém, mà cả không ít rủi ro đối với doanh nghiệp.
“Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã có một số chuyển biến tích cực trong giai đoạn 2015-2019, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp và nỗ lực cải cách chững lại trong hai năm qua. Dịch vụ công trực tuyến thực thi chưa hiệu quả, do đó, gánh nặng thủ tục hành chính vẫn là rào cản đáng kể”, bà Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ.
Gói giải pháp “phi tài chính” đem lại hiệu quả dài hạn, bền vững
Môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội này của các doanh nghiệp. Bởi cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng và thuận lợi là yếu tố cơ bản không thể thiếu để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Đây là thời điểm doanh nghiệp càng cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành trong cải cách quy định, thủ tục, dỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
“Cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn được xác định là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa đối với doanh nghiệp để thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Đây là giải pháp đem lại hiệu quả dài hạn, bền vững và được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.
Do đó, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022 vừa được ban hành sẽ tạo ra những áp lực để tạo ra những thay đổi cần thiết từ chính “nội bộ” nền kinh tế để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế bên ngoài. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo đại diện của CIEM, điểm khác biệt của Nghị quyết 02 năm nay so với Nghị quyết 19 hay 02 trước đây là ở các nhóm giải pháp trọng tâm và chi tiết hơn. Chẳng hạn, một số nhóm chỉ tiêu trước đây Việt Nam rất yếu như quyền tài sản hay các chỉ số liên quan đến phát triển bền vững cũng đã được đưa vào bản nghị quyết này.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh. Đó là cùng với việc rà soát danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nhận diện những bất cập của điều kiện kinh doanh, Nghị quyết sẽ rà soát danh mục đầu tư có điều kiện để nhận diện “gốc rễ” của vấn đề.
“Nghị quyết 02 cũng đề ra những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho địa phương thông qua cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm. Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được đẩy cao hơn một bước nhằm đạt được cùng mức với các quốc gia trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo thông tin thêm.
Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, để tạo ra sự thay đổi cần có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục và áp đặt từ Chính phủ nhằm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “tôi cứ làm còn đạt được hay không thì không quan trọng”.
“Để có được áp lực mạnh mẽ như vậy, cần nhiều cơ quan, tổ chức tham gia giám sát quá trình này. Sự giám sát rất đa dạng có thể đến từ các cơ quan nghiên cứu độc lập, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và các tổ chức quốc tế. Áp lực cần được tạo ra thường xuyên, cần nói đến nhiều lần, nhiều nơi một cách chi tiết và cụ thể”, bà Thảo nêu rõ.
Bên cạnh đó, bản thân các bộ ngành cũng cần thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tạo cho các lãnh đạo bộ ngành nhận biết được những vấn đề tồn tại, những rào cản để họ thay đổi từ bên trong. Nếu tổng hòa các giải pháp này thì sẽ loại bỏ được những rào cản./.
VOV