Cầm 1 triệu đi làm về đến nhà chỉ còn 100k trong ví: Đi làm 8 tiếng công sở tốn nhiều tiền hơn bạn nghĩ!
Đi làm văn phòng tưởng kiếm được tiền nhưng lại cháy túi?
- 24-05-2022"Tiêu tiền để có động lực kiếm tiền" chỉ là cái cớ của chi tiêu không kiểm soát?
- 23-05-2022Tiêu tiền là một loại KIẾN THỨC cũng là một sự ĐẦU TƯ bài bản: Người thông minh tiêu tiền như thế nào?
- 23-05-2022Khi con gái tiêu tiền lẻ, mất tiền tỷ: Mua son hết 20 triệu đồng/năm, nhuộm tóc cũng 2 triệu đồng/tháng chưa kể làm nail
Vấn đề chi tiêu vượt ngưỡng không còn là một chủ đề quá mới mẻ, nhưng có lẽ bạn sẽ giật mình khi nghe lời chia sẻ của một bạn trẻ đang đi làm văn phòng: "Có những ngày, mình mang 1 triệu đi làm nhưng đến cuối ngày ví tiền chỉ còn vỏn vẹn đúng 100 nghìn".
Dẫu biết là vật giá đang leo thang, tiền xăng, tiền thực phẩm cũng trở nên đắt đỏ nhưng cũng thật khó tin khi một bạn trẻ có thể tiêu đến cả triệu bạc chỉ sau 8 tiếng ngồi trên văn phòng. Nếu tính ra thì số tiền được tiêu mỗi ngày thậm chí còn "âm" cả mức lương mà nhiều công việc văn phòng mang lại.
Xăng xe - Khoản chi không thể cắt giảm
Lan (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi ngày mình phải chi đến gần 30 nghìn tiền xăng cho việc di chuyển tới chỗ làm, đã thế giá xăng lại ngày càng tăng thôi. Cũng may là thi thoảng mình nhờ bạn trai đến đón nên đỡ được một phần chi phí."
Hồng (20 tuổi, Hà Nội) cũng có chung nỗi lo lắng khi giá xăng ngày càng tăng, cô nàng cho biết từ khi bắt đầu đi thực tập ở công ty thì số tiền cô phải chi tiêu nhiều hơn số tiền lương nhận được. "Ban đầu được trúng tuyển thực tập thì mình vui lắm nhưng khi được biết mức lương chỉ có 2,5 triệu thì mình buồn hẳn. Khoảng cách đến công ty mình cũng gần 20km, tính riêng tiền xăng để di chuyển đã gần 1 triệu, số tiền còn lại chỉ vừa đủ để mình trả tiền trọ."- Hồng thở dài.
Khi được hỏi về việc đi xe bus nhằm giảm chi phí khi di chuyển mỗi ngày, cả Lan và Hồng đều cho rằng biện pháp này không thực tế. Hồng cho rằng cô phải cân bằng giữa việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, các tiết học trên trường và thời gian trên công ty nên việc ngồi xe bus thực sự gây bất tiện cho việc di chuyển của cô. Trong khi đó, Lan cũng chia sẻ rằng cô thường xuyên phải làm việc tăng ca ở công ty nên khó có thể bắt đúng chuyến xe buýt mong muốn.
Đồng nghiệp và những lời mời - Mỗi lần đồng ý là một lần chi tiền
Lan thú nhận một trong những nguyên do làm cô rơi vào tình trạng "viêm màng túi" chính là môi trường công sở, cụ thể là lời mời từ các đồng nghiệp. "Mỗi lần các chị đồng nghiệp rủ mua trà sữa, bánh ngọt là mình không cưỡng lại được, một phần do mình cũng thèm ăn vặt, hơn nữa nếu từ chối họ thì cứ kì kì sao ấy", Lan cười trừ.
Còn Hồng thì chia sẻ bản thân đã chuẩn bị sẵn đồ ăn làm sẵn ở nhà nên có thể khéo léo từ chối những lời mời ăn uống với lý do sợ béo. Tuy nhiên, cô lại gặp phải 1 lời mời "khó xử" khác của các chị đồng nghiệp: lời mời rủ đi shopping chung. Hồng chia sẻ: "Bản thân mình là con gái nên cũng thích đi shopping lắm chứ, nhưng bình thường mình chỉ muốn ngắm nghía chút quần áo thôi chứ làm gì có tiền mua. Vậy mà đi cùng các chị đồng nghiệp thì các chị cứ khuyên mình mua bộ này, bộ kia đi, mình thì cũng ngại đi tay không về".
Khi được hỏi về biện pháp để tiền ở nhà nhằm tránh tiêu xài hoang phí trên văn phòng, Lan cho rằng điều này khó có thể thực hiện. "Thật khó để có thể chắc chắn liệu sẽ không có việc gấp cần dùng đến tiền cả. Vậy nên nếu mang tiền ít thì sẽ không đủ chi lúc cấp bách mà mang nhiều thì…bạn biết rồi đấy" - Lan chia sẻ.
Quần áo, skincare - Sở thích "hại ví" muôn thuở
Lan bày tỏ quan điểm rằng đa số những bạn nữ mà cô biết đều dành hàng giờ mỗi ngày để trang điểm trước khi đi làm. Bản thân cô cũng dành 1-2 tiếng để đắn đo xem hôm nay cần mặc bộ nào đi làm để không trùng với hôm trước. "Con gái mà, mình cũng muốn trở nên lộng lẫy, thời trang trong mắt đồng nghiệp chứ. Với lại, mình cũng có người yêu nên không thể xuề xòa như những người độc thân được. Nhưng điều đó cũng khiến mình mất 3-4 triệu mỗi tháng chỉ vì mua sắm quần áo, đồ skincare"- Lan thật lòng.
Cùng quan điểm với Lan, Hồng cho rằng mong muốn trở nên xinh xắn, tỏa sáng trong mắt người khác chẳng có gì là xấu cả. Tuy nhiên, cô cũng không tránh khỏi nỗi phiền lòng mỗi khi nhìn vào ví tiền của mình. "Khi đi học thì em không tốn quá nhiều tiền vào việc skincare vì chỉ chạy ào cái từ trọ là đến trường rồi. Nhưng kể từ khi đi làm văn phòng, việc di chuyển nhiều dưới thời tiết nắng khiến em phải tốn nhiều kem chống nắng hơn, chưa kể những lúc đổ mồ hôi thì em còn bị trôi mất kem nền"- Hồng cười trừ.
Tạm kết
Ngay cả khi đã đi làm thì các bạn trẻ hiện nay cũng phải đối mặt với những tình huống phải "móc ví" không đáng có. Do đó, việc rèn luyện khả năng đối mặt với cám dỗ cũng như kĩ năng tiết kiệm tiền là không hề thừa thãi. Mỗi người sẽ có những thói quen chi tiêu riêng nhưng việc tự thiết lập những kỷ luật nhất định và sắp xếp một kế hoạch chi tiêu hợp lý sẽ giúp mỗi người tránh khỏi tình trạng tiêu "âm" tiền lương cũng như tạo nhiều cơ hội thành công trong tương lai.
Trí Thức Trẻ