Cầm 12,5 tỷ USD, bà Melinda đổi lấy sự tự do sau 10 năm ấm ức: Luôn cảm thấy như 'vô hình' tại quỹ từ thiện lớn nhất thế giới có tên mình, xin chồng là đồng tác giả bức thư hàng năm cũng bị từ chối
Quãng thời gian là vợ Bill Gates của bà Melinda dường như có rất nhiều góc khuất.
- 18-05-2024Lần đầu tiên trong lịch sử Dow Jones chốt phiên trên 40.000 điểm: Hai yếu tố trở thành chất xúc tác hoàn hảo
- 17-05-2024Nỗ lực vực dậy thị trường BĐS, Trung Quốc triển khai chính sách ‘đổi nhà cũ lấy nhà mới’: Lộ một bài toán khó chưa tìm ra lời giải
- 17-05-2024Nền kinh tế được dự đoán vượt Đức, Nhật Bản trong 3 năm tới mạnh đến mức nào: Không tạo ra phép màu kinh tế từ sản xuất, đây mới là 3 trụ cột định hình số phận 1,4 tỷ dân
Khoảng 10 năm trước, Melinda French Gates đã đưa ra một yêu cầu nghe có vẻ khá giản dị với người chồng tỷ phú nổi tiếng lúc bấy giờ của bà là Bill Gates: Melinda muốn trở thành đồng tác giả bức thư hàng năm cho quỹ từ thiện mà hai vợ chồng họ đồng sáng lập. Bill Gates ngay lập tức từ chối. Nhưng cuối cùng, vì 1 lý do nào đó, Bill Gates đã đồng ý để bài luận của vợ gửi kèm với lá thư của mình. Hai năm sau đó, Melinda được "thăng chức" thành đồng tác giả bức thư.
Tới tuần này, Melinda French Gates đã đạt được sự tự do hoàn toàn: Ba năm sau khi ly hôn với Gates, bà tuyên bố cắt đứt quan hệ với Quỹ Bill & Melinda Gates – quỹ từ thiện lớn nhất thế giới trị giá 59,5 tỷ USD, mỗi năm chi tài trợ tới 7 tỷ USD.
Là một phần của thỏa thuận ly hôn đã được thương lượng trước đó, Gates sẽ trao cho vợ cũ 12,5 tỷ USD để theo đuổi niềm đam mê từ thiện của riêng mình: Nâng đỡ tinh thần cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới. Nhưng ngay cả trước khi tin tức về việc chia tay Bill & Melinda Gates được tung ra vào tuần này, French Gates đã thoát khỏi cái bóng của chồng cũ để trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong hoạt động từ thiện toàn cầu.
Danh tiếng ngày càng tăng của bà với tư cách là nhà đấu tranh cho phụ nữ trùng hợp với việc vị thế của Gates trước công chúng bị suy giảm vì mối quan hệ của ông với Jeffrey Epstein – tên tội phạm buôn bán tình dục nổi tiếng. (Gates đã bày tỏ sự hối tiếc về cuộc gặp gỡ với Jeffrey Epstein nhưng cho biết họ chỉ thảo luận về một dự án từ thiện).
Diane von Furstenberg, người lần đầu gặp French Gates tại hội nghị truyền thông và công nghệ Allen & Co ở Sun Valley, Idaho vào những năm 1990 cho biết: "Tôi đã theo dõi cô ấy từ khi cô ấy còn là một phụ nữ trẻ và sự phát triển thật phi thường. Cô ấy rất dè dặt. Cô ấy rất nhút nhát", von Furstenberg nhớ lại. "Bây giờ cô ấy là một người phụ nữ dám chịu trách nhiệm".
Ở tuổi 59, French Gates là một "bà ngoại đơn thân", đứng đầu bộ tam nữ cùng với MacKenzie Scott – vợ cũ Jeff Bezos và Laurene Powell Jobs – vợ Steve Jobs, trở thành những nhà từ thiện lớn theo đúng nghĩa của họ. Một người từng làm việc với Melinda French Gates cho biết trong tuần này rằng bà và bà Scott, vợ cũ của người sáng lập Amazon Jeff Bezos, hiện đang trò chuyện về sự hợp tác từ thiện chính thức.
Những người biết French Gates nói rằng bà đang đạt đến đỉnh cao quyền lực đúng lúc những vấn đề trăn trở nhất đối với bà ấy - bao gồm cả quyền sinh sản - đang bị đe dọa. Một người nói rằng bà vốn đã đấu tranh cho những mục tiêu này trong Quỹ Bill & Melinda Gates, nhưng giờ đây bà ấy sẽ tập trung vận động nhiều hơn vào những vấn đề như vậy.
French Gates lớn lên ở Dallas, con gái của một kỹ sư hàng không vũ trụ, người đã làm việc trong các sứ mệnh Apollo đưa người đầu tiên lên mặt trăng. Bà theo học tại Học viện Ursuline dành cho nữ sinh và quan tâm đến lập trình máy tính nhờ chiếc máy tính Apple đời đầu. Tại Đại học Duke, bà lấy bằng về khoa học máy tính và kinh tế, sau đó là thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Khi mới ra trường và đi làm, French Gates dường như được định sẵn cho một công ty blue-chip (công ty đầu ngành, ổn định). Tuy nhiên, một nữ giám đốc điều hành tại IBM cho rằng một phụ nữ tài năng như Melinda có thể tìm thấy nhiều cơ hội hơn tại Microsoft – khi ấy vẫn chỉ là một công ty khởi nghiệp về phần mềm đang phát triển nhanh chóng ở Seattle. Trong 10 năm ở đó, French Gates làm giám đốc sản phẩm cho Word và giám sát việc ra mắt bộ bách khoa toàn thư Encarta cùng các dự án khác.
Bà bắt đầu hẹn hò với ông chủ Bill Gates khoảng sáu tháng sau khi gia nhập Microsoft. Họ đồng sáng lập quỹ từ thiện khi Bill nghỉ hưu ở Microsoft vào năm 2000, tìm cách kết hợp khối tài sản khổng lồ của họ với sự hiểu biết về thế giới công nghệ.
Theo Mark Suzman, giám đốc điều hành của Quỹ Bill & Melinda Gates, quỹ sẽ sớm được đổi tên thành Gates Foundation. Tại đây, cả hai vợ chồng Melinda và Bill đều làm việc bình đẳng. Tuy nhiên, câu chuyện bức thư được nhắc tới ở đầu bài viết cho thấy, Gates thường được coi là người đứng đầu. Trong cuốn sách của mình, French Gates viết về việc đôi khi cảm thấy "vô hình" bên cạnh người chồng nổi tiếng của mình.
Tuy nhiên, theo các cựu giám đốc điều hành, bà đã xuất sắc ở những điều mà chồng không làm được. Một cựu giám đốc điều hành cấp cao gọi bà là "linh hồn" của tổ chức, bà luôn khiến những tân binh vào tổ chức cảm thấy được chào đón.
French Gates bắt đầu nâng cao danh tiếng của mình trước công chúng vào năm 2012 khi bà tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh về Kế hoạch hóa gia đình ở London. Sau đó, vào năm 2015, bà đã tiến thêm một bước nữa khi thành lập Pivotal Ventures để đầu tư vào các quỹ và công ty khởi nghiệp nhằm trao quyền cho phụ nữ.
Trong cuộc trò chuyện vào tháng 7 với The Washington Post, bà mô tả cách tiếp cận của mình là tập trung vào các rào cản đối với phụ nữ và các ngành mà họ cần quyền lực lớn hơn, bao gồm chính trị, tài chính, công nghệ và truyền thông. Bà nói: "Chúng tôi chưa được trao quyền hoàn toàn ở Mỹ. Bạn biết đấy, chúng ta không có sự bình đẳng trong hội trường Quốc hội. Chúng ta không có sự bình đẳng trong lĩnh vực công nghệ. Chúng ta không có sự bình đẳng về tài chính. Vì vậy, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi".
Hiện vẫn chưa rõ liệu French Gates sẽ sử dụng các nguồn lực tài chính mới của mình để mở rộng Pivotal hay cho các dự án kinh doanh khác. Trong lúc đó, bà đã thể hiện cảm giác ngạc nhiên rằng cuộc đời mình đã đến thời điểm này. "Thật buồn cười", French Gates trầm ngâm trong cuộc phỏng vấn gần đây với nhà kinh tế học Emily Oster. "Chúng ta sẽ đến những nơi này trong cuộc đời, phải không?".
Theo: Financial Times
An Ninh Tiền Tệ