MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm doanh nghiệp rượu, bia tài trợ sự kiện văn hoá, nghệ thuật, người Việt Nam sắp phải "chào tạm biệt" các lễ hội Countdown hay đường đua công thức một?

Khoản 3, điều 8 của Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định sẽ cấm các hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong hai phương án được đưa ra, phương án 2 tỏ ra "dễ chịu" hơn khi chỉ áp dụng với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh rượu, thay vì cả rượu và bia như phương án 1.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm là các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia.

Vấn đề này được quy định tại Điều 8 của Dự thảo Luật.

Cụ thể, Dự thảo Luật, thứ nhất, nghiêm cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng. Dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi, cung cấp rượu, bia miễn phí.

Thứ hai, cấm các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên.

Rượu, bia dưới 15 độ bị cấm quảng cáo trên trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Đồng thời, dự thảo Luật cũng nhấn mạnh hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.

Thứ ba, đối với các hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp này, Dự thảo nêu ra 2 phương án.

Phương án 1 là cấm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu bia tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí. Các doanh nghiệp này không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia. Bên cạnh đó, cũng không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm bia, rượu trên vật phẩm tài trợ.

Phương án 2 tỏ ra "dễ thở" hơn. Tức chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu.

Phương án 2 thực ra cũng mới được bổ sung 13 ngày trước đó (5/4/2018). Dự thảo Luật công bố ngày 30/3/2018 không hề có phương án này. Tức loại bỏ hoàn toàn hoạt động tài trợ cho các sự kiện văn hoá của các hãng bia, rượu trước đây quen thuộc với người Việt như những lễ hội Countdown các dịp cuối năm hay đường đua công thức 1 (sắp được tổ chức lần đầu vào tháng 5/2018 do Heineken đưa về) sẽ chấm dứt. Ở Dự thảo mới việc cấm là 50/50 với hai phương án đã được nêu. 

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam tỏ ra lo lắng với những quy định trên. Nói tại toạ đàm về Dự án "Luật phòng chống tác hại của rượu, bia", ông Matt Wilson nhấn mạnh những tác động lớn đến không chỉ doanh nghiệp mà còn có nền kinh tế cũng như người tiêu dùng nếu nội dung này được thông qua.

Nguyên nhân, ngành quảng cáo có đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, nếu hạn chế quảng cáo và tài trợ, thậm chí cấm thì dẫn đến việc người tiêu dùng không tiếp cận được các sản phẩm có thương hiệu uy tín, chất lượng dẫn đến việc sức khoẻ bị ảnh hưởng. Điều này rất đáng quan tâm đối với những quốc gia có thói quen tiêu dùng đồ uống có cồn như Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc cấm tài trợ các hoạt động văn hoá nghệ thuật, theo ông Matt Wilson sẽ khiến công ty ông không còn có thể mang lại những trải nghiệm thú vị cho người Việt, ví dụ như Heineken Coundown hay đường đua F1.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định các quy định trên của dự thảo Luật là cứng nhắc. Nói với Trí Thức Trẻ, ông nhấn mạnh về nhu cầu quảng cáo những sản phẩm tin cậy, phù hợp pháp luật của những nhà sản xuất chân chính cho người tiêu dùng.

"Nếu cấm kênh đấy thì người tiêu dùng sẽ không phân biệt được đâu là sản phẩm được chứng nhận, có chất lượng tốt. Đây là điểm hạn chế", ông nói.

Theo ông, chỉ nên cấm việc lạm dụng quảng cáo, quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dung, còn nếu cấm hoàn toàn thì là "lợi bất cập hại". "Rượu, bia trong một chừng mực điều độ không gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng, nó không phải là sản phẩm có hại cần loại bỏ ra", ông Tuấn cho biết.

Matt Wilson đề xuất không nên cấm quảng cáo nhằm mục kiểm soát tiêu thụ rượu bia mà nên hướng đến quản lý nội dung quảng cáo nhiều hơn. Tức hạn chế/cấm những nội dung hướng đến những đối tượng vị thanh niên, quảng cáo sai sự thật, tác động dẫn dắt tâm lý hành vi người tiêu dung (ví dụ: uống rượu, bia thể hiện nam tính).

"Tôi cho rằng mục tiêu quản lý nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện được bằng những quy chế tự quản", ông nói và dẫn chứng ra tỷ lệ 40% thị trường lớn trên thế giới đã áp dụng tự quản thành công vì họ tin vào hoạt động mạnh mẽ của nền quảng cáo cũng như lợi ích kinh tế lớn của ngành này mang lại.

Theo đó, năm 2010, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã ban hành quy tắc tiếp thị bia mà theo ông Matt Wilson đã được các công ty lớn tại Việt Nam cam kết thực hiện đúng. Bên cạnh đó, Luật quảng cáo sửa đổi năm 2012 đã xây dựng quy tắc ứng xử cho ngành nghề quảng cáo để các doanh nghiệp tự điều chỉnh hành vi phù hợp.

   

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên