MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cam go "trận đánh" lãi suất

20-05-2016 - 16:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Muốn hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động, nhưng theo nhiều phân tích cho thấy điều này đang đứng trước rất nhiều áp lực.

NHNN đang nới lỏng chính sách tiền tệ?

Trao đổi riêng với chúng tôi, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia phân tích với cấu trúc thị trường vốn mang tính đặc thù như ở Việt Nam, điều rất dễ nhìn thấy hệ thống ngân hàng vẫn là một kênh chuyển vốn chủ yếu của nền kinh tế. Song không thể nhìn vào tăng trưởng tín dụng cao như thời gian vừa qua mà nói rằng cơ quan điều hành đã nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Vừa qua, không thấy biểu hiện nào để nói rằng NHNN đang nới lỏng chính sách tiền tệ ví dụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vẫn giữ nguyên, không hề kéo xuống thấp trong vài năm nay. Tái cấp vốn cũng có liều lượng, cung ứng vốn qua các công cụ của NHNN không có biểu hiện của việc nới lỏng chính sách”, TS. Trương Văn Phước nhận định.

Vị chuyên gia nói thêm việc tăng trưởng tín dụng cao không có nghĩa là cơ quan điều hành đã nới lỏng chính sách tiền tệ mà hấp thụ vốn nhiều là do sự phục hồi từng bước của nền kinh tế trong đó có khả năng phục hồi của hệ thống các doanh nghiệp và còn nhiều các giải pháp khác nữa đã tạo lập niềm tin của thị trường, mức độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao hơn,…

“Vì vậy chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên xem như là nguyên nhân chính yếu nhất chứ không phải là nới lỏng chính sách tiền tệ mà tăng trưởng tín dụng cao”, ông Phước nêu quan điểm.

Làm sao hạ được lãi suất cho vay?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng đang đứng trước áp lực đảm bảo thanh khoản nên buộc phải tăng lãi suất huy động. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn đang tăng cao nên nhiều ngân hàng tính đến phương án điều chỉnh tăng lãi suất huy động để gia tăng nguồn vốn.

Vậy làm sao hạ được lãi suất cho vay?

Ông Phước nhận định muốn hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động, nhưng điều này đứng trước rất nhiều áp lực.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia cho biết lạm phát năm nay sẽ ở mức 3-5% cao hơn mức 0,63% năm 2015. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, kỳ vọng của nhiều người đối với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

"Để đảm bao chênh lệch lãi suất ứng phó với nợ xấu thì chắc hẳn lãi suất huy động phải thấp xuống. Trong khi đó, giá xăng dầu đã phục hồi, là yếu tố tác động đến thị trường Việt Nam làm cho CPI có thể có dấu hiệu tăng lên khoảng 3-3,5%. Nói chung, hạ lãi suất cho vay vướng rất nhiều yếu tố khách quan", ông Phước đánh giá.

Chuyên gia chia sẻ thêm, ở bất kỳ quốc gia nào, khi ban hành hay điều chỉnh một chính sách cũng có 2 mặt, phải đánh đổi, mất cái này được cái kia. Giả sử có nới lỏng chính sách tiền tệ thì các quốc gia phải luôn luôn ứng phó mầm mống của lạm phát. Và nếu nới lỏng quá nhiều sẽ góp phần lạm phát tăng cao, làm cho đồng tiền nội tệ mất giá nhiều hơn.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng cần khẩn trương hạ lãi suất vì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, lạm phát cũng thấp nếu loại trừ giá dịch vụ y tế tăng bằng biện pháp hành chính và tỷ giá đang ổn định. Nếu lãi suất không giảm, doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế sẽ đều gặp khó khăn.

Theo ông Độ, vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, giảm gánh nặng nợ cho nền kinh tế đã được đề cập từ lâu, đặc biệt là khi lạm phát xuống dưới mức 2% vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, trong năm 2015 nền kinh tế có bước phục hồi, đồng thời tỷ giá biến động mạnh, nên chính sách giảm lãi suất, mặc dù được Chính phủ định hướng từ đầu năm 2015, đã không được thực hiện quyết liệt. Nhưng từ quý I/2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã có dấu hiệu chững lại. Vấn đề giảm lãi suất cho vay, vì vậy, trở nên cấp bách hơn.

Về phía các ngân hàng, nhiều ngân hàng sẽ phải “chịu thiệt” giảm lợi nhuận để giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp. Theo BIDV, lợi nhuận năm nay có thể giảm 400-500 tỷ đồng nếu lãi suất cho vay đồng loạt giảm.

Lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết ngân hàng sẽ xem xét mức giảm lãi suất tối đa là 1% và chỉ khi NHNN hỗ trợ NHTM bằng việc nới lỏng các yêu cầu chẳng hạn như tỷ lệ dự trự bắt buộc.

Các ngân hàng khác cũng kiến nghị NHNN có thể hoãn áp dụng quy định mới để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất. Với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18-20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân thì có vẻ quy định áp dụng Basel 2 và nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 36 về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ chưa được áp dụng ngay.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên