Cam sành rẻ chưa từng có, người nông dân 'đứng ngồi không yên'
Giá cam sành lao dốc mạnh chưa từng có khiến nông dân Vĩnh Long rơi vào tình trạng lỗ nặng. Có vườn cam chín vàng, trĩu cả cây nhưng tìm thương lái “đỏ mắt”.
- 16-02-2023TP HCM: Cam sành rẻ chưa từng có, nhiều điểm bán hàng treo bảng giải cứu
- 14-02-2023Rớt giá kỷ lục, 1kg cam chỉ… 1.000 đồng
- 12-02-2023Vào chính vụ cam sành bán chạy vì giá rẻ
Nhiều nhà vườn trồng cam sành tại Vĩnh Long đang "đứng ngồi không yên" bởi từ sau Tết đến nay giá cam giảm liên tục. Nếu như trước Tết, giá cam sành dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, hiện giá cam tại vườn chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, thậm chí 1.000 - 2.000 đồng/kg. Có vườn cam chín vàng, trĩu cây nhưng không có người mua.
Bà Đỗ Thị Phương Khánh - đại diện Hợp tác xã Cam Sành Khánh Nhân, huyện Tam Bình - cho biết, với mức giá này, người trồng cam đang lỗ nặng vì chi phí sản xuất đã khoảng 10.000 -12.000 đồng/kg.
Giá cam sành giảm mạnh khiến người dân thua lỗ nặng.
Theo bà Khánh, giá cam sành giảm mạnh do tác động từ nhiều yếu tố. Trong đó, có việc người dân trong dịp cuối năm giữ trái lại chờ Tết Nguyên đán bán được giá cao.
"Thông thường thời vụ của cam sành vào tháng 11. Tuy nhiên, người dân nghe tới Tết giá có thể tăng lên 15.000 đồng/kg nên giữ lại. Nhưng sau đó, lượng tiêu thụ thấp giá không tăng được. Cuối cùng đến thời điểm này, trái quá lứa, chín vàng rất khó bán hoặc bán không được. Tình trạng này ảnh hưởng đến giá cam sành trái còn xanh" - bà Khánh nói.
Người dân Vĩnh Long đang thu hoạch cam sành.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vĩnh Long, nguyên nhân cam sành rớt giá liên tục thời gian qua là do sản phẩm cam địa phương chỉ tiêu thụ trong nước, thời tiết năm nay lạnh hơn các năm nên nhu cầu từ các thị trường như TPHCM và các tỉnh miền Bắc không nhiều. Trong khi đó, việc sản xuất cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch. Đặc biệt, mấy năm qua giá cam tăng cao có thời điểm lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg nên bà con đổ xô trồng dẫn tới diện tích cam phát triển rất mạnh, vượt diện tích quy hoạch của tỉnh.
Thống kê của Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho thấy, riêng huyện Trà Ôn (vùng trọng điểm về cam sành) hiện có 9.500 ha diện tích cam sành. Sản lượng hàng năm thu hoạch khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm. Từ nay đến hết tháng 3, ước tính có khoảng 60.000 tấn cam sành đến vụ thu hoạch nên áp lực tiêu thụ rất lớn.
Khoảng 60.000 tấn cam sành huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) sắp đến thu hoạch
Trao đổi với PV Tiền Phong , lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2022, Cục Trồng trọt đã khảo sát và cảnh báo tình trạng phát triển nóng trồng cam sành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và yêu cầu phải có những khuyến cáo cho nông dân.
Thời điểm cảnh báo, diện tích trồng cam sành ở Vĩnh Long đạt trên 16.500 ha (năm 2021 là 14.800 ha). Nhưng sau đó, giá cam tăng cao người dân trồng cam sành thấy có lời tiếp tục mở rộng diện tích, thậm chí có người dân đi thuê đất giá cao trồng cam sành.
“Khi thị trường tiêu thụ kém, cam rất rớt giá mạnh. Chúng tôi đang trao đổi với tỉnh Vĩnh Long nắm bắt tình hình để có giải pháp kết nối, hỗ trợ bà con tiêu thụ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng mới, mở rộng diện tích”, vị này cho hay.
Tiền phong